Ước nguyện khó thực hiện ở tuổi 80 của nghệ sĩ cải lương Diệp Lang

0
1256

NSND Diệp Lang được đông đảo khán giả ái mộ không chỉ vì những vai diễn của ông, mà còn ở bản chất ôn hòa, đôn hậu của một người con vùng quê Sa Đéc – Bình Tiên

Nghệ sĩ Diệp Lang tên thật là Dương Công Thuấn, sinh tại Bình Tiên, Châu Thành, Sa Đéc (nay là Tân Bình, Châu Thành, Đồng Tháp). Ông là một nghệ sĩ cải lương Việt Nam nổi tiếng. Ông hoạt động ở một số lĩnh vực khác như : đạo diễn, kịch nói, chỉ đạo nghệ thuật . Ông là thành viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh suốt 20 năm.

Nghệ sĩ nhân dân Diệp Lang đến với sân khấu cải lương từ năm 12 tuổi. Ban đầu ông chỉ được các đạo diễn giao cho những vai phụ. Cho đến khi, Diệp Lang được soạn giả Thu An giao cho vai người cha trong vở Người Anh khác mẹ, diễn trên sân khấu đoàn Kim Chung, thì tên tuổi của ông mới được mọi người biết đến. Đây là một vai diễn thành công của Diệp Lang, đã giúp ông nhận được Giải thưởng Thanh Tâm năm 1963. Sau vai diễn này, ông còn có nhiều vai diễn khác như: “Hội đồng Thăng” trong “Đời cô Lựu”, “Trung sĩ Tám” trong “Tìm lại cuộc đời”,”Lê Quý” trong “Tâm sự Ngọc Hân”, “Lê Xuân Giác” trong “Tiếng sóng Rạch Gầm”, “Ông nội” trong “Cây lẻ bạn”, “Ông Hai” trong “Đàn ca tri kỷ”, “Hội đồng Dư” trong “Tiếng hò sông Hậu”…

Nghèo không sợ bằng xa nghề

Phải nói là gia cảnh nghệ sĩ Diệp Lang khá khó khăn. Căn hộ của ông chỉ mới được hóa giá gần đây, còn bệnh tim do phình động mạch chủ thì bác sĩ và khán giả đã tài trợ cho ông mổ miễn phí. Bà Thu Phong cũng nhiều bệnh, do đó chi phí thuốc thang khá nhiều. Gần đây, cô con gái bước đầu ổn định gia đình bên Mỹ, gửi tiền về cấp dưỡng cha mẹ, nên ông chỉ đi diễn cầm chừng. Ông rất biết ơn vợ: “Bả không hề giục tôi làm giàu. Chỉ cần đủ ăn là cười rồi. Nhờ vậy mà đầu óc tôi thanh thản”. Rồi ông gật gù: “Như tôi bây giờ, mỗi lần trời mưa là tôi buồn. Trong bụng có gì đó cứ trào lên tha thiết… Tôi nhớ những buổi chiều mưa trên bến sông quê, nhớ tiếng trống ghe hát, nhớ bữa cơm nghèo của đời nghệ sĩ lang thang…”.

Có lẽ đúng như ông nói, nhờ cảnh nghèo mà những cảm xúc xưa cũ đó vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn trong ông. Ông chẳng mặc cảm gì chuyện giàu nghèo, cứ nhẹ nhàng bình thản đi giữa cuộc đời. Hình như đó một phần là cái chất của người Sa Đéc, một thị xã nhỏ xíu nhưng có tới 50 ngôi chùa phân bố khắp nơi, lượn theo những nhánh kênh êm đềm chở nước sông Tiền tưới cho những làng hoa thơm ngát. Chiều chiều, tiếng chuông chùa cứ ngân nga trôi dài với hương hoa, làm sao mà lòng người không lắng đọng.

Diệp Lang nói một câu chắc nịch: “Nếu kiếp sau được làm người, tôi cũng xin làm nghệ sĩ”. Cái nghèo không khiến người ta sợ, vì người ta chỉ sợ phải xa nghề. Vậy mà Diệp Lang đang phải đối diện với nỗi sợ ấy. Hai năm nay, sức khỏe quá kém, ông phải từ chối nhiều vai diễn, chỉ xuất hiện trong vài sô lẻ quanh TP.HCM, hoặc vài đêm làm giám khảo cuộc thi vọng cổ. Gần đây nhất, được mặc áo dài khăn đóng để đọc văn tế trong lễ giỗ tổ Hùng Vương tại Đầm Sen, với ông đã là một niềm vui lớn.

Quãng đời khó quên
Diệp Lang từng lăn lóc theo những ghe hát ở những bến bãi quê nghèo trước khi vươn lên thành một nghệ sĩ tiếng tăm. Quãng đời đó thật chẳng thể quên. Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là 10 năm từ 1965 đến 1975. Lúc ấy, ông đã có trong tay giải Thanh Tâm 1963 và bằng danh dự 1964, nhưng vẫn bị bắt lính.

Một buổi sáng, theo giấy mời, ông đến trình diện ở bót cảnh sát và thế là bị giữ lại luôn, cùng với Thanh Tú, Tấn Tài. Và chính quyền lúc đó đã đưa nhóm nghệ sĩ xuống thẳng đơn vị, cho khoác luôn áo lính, không kịp về nhà báo tin cho vợ. Cùng với nhiều nghệ sĩ, ông  bị sung vào biệt đội văn nghệ, và phải cắm trại trăm phần trăm. Nhưng bao nhiêu hợp đồng đã lỡ ký với các ông bà bầu, mà cái chính là do nhớ nghề, nên ông thường lẻn ra ngoài vào buổi tối để đi hát. Hôm nào hên, sếp có chuyện vui hoặc sếp đi vắng, thì ông vừa được hát vừa kiếm được ít tiền cho vợ. Hôm nào xui, sếp quạu, thì ông bị bắt, bị phạt cấm cố trong quân lao, hoặc phải đi làm tạp dịch, chà cầu tiêu, bất kể là nghệ sĩ nổi tiếng… Rất nhiều lần bị phạt, nhưng ông không hề hé răng với vợ (nghệ sĩ Phượng Liên – vợ trước), vì sợ vợ buồn. Một lần, ông bị giam cấm cố, không hề hay biết vợ vừa sanh con đầu lòng. Đến khi ông được thả ra thì tình cảm gia đình đã rạn nứt. Tánh ông lại ít nói, không chịu thanh minh, cộng với mặc cảm đời lính nghèo không nuôi nổi vợ con, ông đành để hạnh phúc đội nón ra đi. Suốt 10 năm ông sống trong cay đắng…

Khi Sài Gòn giải phóng, ông mới cởi được áo lính, toàn tâm toàn ý trở về với sân khấu. Ông lại bước vào một giai đoạn thành công rực rỡ. Là Phó đoàn cải lương Sài Gòn 2 phụ trách nghệ thuật, ban ngày ông tổ chức tập tuồng, ban đêm lại thức để biên tập kịch bản. Ông quá say nghề cứ làm việc không kể giờ giấc sức khỏe, đến nỗi hai mắt lòa đi, tưởng sắp mù. Bà Thu Phong khi ấy vừa sát cánh bên chồng phụ đánh máy, góp ý (bà vốn là sinh viên Văn khoa Sài Gòn), vừa một nách nuôi con, không than van một tiếng. Nhờ vậy ông đã làm nên hàng loạt vở diễn hay cho đoàn và có được hàng loạt vai diễn để đời cho bản thân mình. Nào ông chủ tiệm cầm đồ (vở Lỡ bước sang ngang), ông Hai Nguyện (Ánh lửa rừng khuya), trung sĩ Tám (Tìm lại cuộc đời), hội đồng Dư (Tiếng hò sông Hậu)… Khi về đoàn Văn công TP.HCM, ông có vai hội đồng Thăng (Đời cô Lựu), lãnh binh Trần Quy Sắc (Nàng Hai Bến Nghé)… Về đoàn 284, ông lại có vai ông Cả (Tô Ánh Nguyệt), ông Tư trời biển (Lời ru của biển), Lỗ Quý (Lôi Vũ)… Có thể nói sự nghiệp của ông thực sự chín muồi, thăng hoa là ở chính giai đoạn này.

Tuổi già xứ người

Chuyển đến Mỹ định cư vào năm 2010, thấm thoát nghệ sĩ cải lương Diệp Lang đã có 11 năm sống xa quê hương. Trong khoảng thời gian ấy, ông từng về nước 2 tuần để thăm gia đình, người thân và một lần để chữa bệnh vào năm 2014.

Từ đó đến nay, thông tin về cuộc sống lẫn sức khỏe của nam nghệ sĩ không xuất hiện nhiều trên báo chí. Một phần do Diệp Lang vốn ưa thích cách sống bình lặng và không ưa thích việc chia sẻ đời tư, phần còn lại do ông đã rút lui khỏi sân khấu để thảnh thơi quây quần bên con cháu cùng người bạn đời Thu Phong. Chính vì thế, những thông tin của nghệ sĩ Diệp Lang mới đây đã khiến cho các khán giả vô cùng thích thú.

Xứ lạ quê người, sống sao bằng nơi “chôn nhau cắt rốn”. Niềm vui lớn nhất của tôi và vợ nơi đây là được sống quây quần bên vợ chồng con gái và cháu ngoại. Các cháu còn nhỏ nên có ông bà ở bên càng quý. Tôi không muốn xa chúng. NS Diệp lang nói

Ông không giấu niềm vui và sự tự hào trong ánh mắt khi nhắc đến người vợ tảo tần, vén khéo mái ấm gia đình. Căn nhà của vợ chồng ông được bài trí ngăn nắp, thể hiện nếp sống giản dị của người nghệ sĩ.  Ông bà đã đồng hành bên nhau hơn 40 năm. Thời ông còn đi diễn, bà cũng một tay chăm sóc gia đình, con cái cho chồng yên tâm hoạt động nghệ thuật.

“Chúng tôi ở bên nhau là cái duyên. Ngày xưa bố mẹ tôi phản đối lấy nghệ sĩ lắm. Vậy mà tôi vẫn quyết ở bên anh Diệp Lang. Ai cũng nói anh ấy là kép chánh đàng hoàng nhất của sân khấu cải lương. Mà đúng vậy, ông rất thương vợ, con và cháu”, bà Phong bộc bạch.

Phong độ ở tuổi 80, hạnh phúc trong lễ mừng thọ

Theo đó, vào ngày 6/3 vừa rồi, NSND Diệp Lang được bà xã Thu Phong, con cái và các cháu tụ họp về để nấu ăn, tổ chức mừng sinh nhật tuổi 80.

Cũng nhân dịp này, bà xã của NSND Diệp Lang là Thu Phong đã tiết lộ về sức khỏe của nam nghệ sĩ. Cô cho biết, trong những năm vừa qua, sức khỏe của ông không tốt, lúc nhớ, lúc quên. Đi lại khá khó khăn nhưng chồng bà tự làm mọi việc, không muốn phiền hà đến người thân. Thi thoảng, hai vợ chồng đến thăm những người đồng nghiệp cũ ở bang California, ôn lại kỷ niệm nghề cải lương.

Ở tuổi này ông ước mình có sức khỏe để trờ về quê: “Tôi tha thiết mong được về quê thăm lại những nơi đã đi qua, nhất là rạp Trần Hưng Đạo – nơi hồi nhỏ tôi đi hát với nhiều kỷ niệm gắn bó với sân khấu. Nhưng lực bất tòng tâm. Gần 20 tiếng ngồi trên máy bay, tôi sợ mình không chịu nổi. Tôi đang cố gắng dưỡng bệnh để mong có dịp cùng vợ trở lại quê nhà.

Ở tuổi 80, bên cạnh căn bệnh tim tiêu tốn rất nhiều chi phí để chữa trị, cách đây 5 năm, NSND Diệp Lang lại phát hiện mình mắc thêm bệnh Parkinson khiến cho tay ông run lẩy bẩy. Điều này đã làm cho những sinh hoạt cá nhân của nam nghệ sĩ gặp rất nhiều trở ngại. Con trai Diệp Lang là đạo diễn Diệp Tiên cho biết, nhìn tay cha run run cầm điện thoại để nói chuyện mà không kiềm được nước mắt thương cha.

Mỗi khi nhắc đến hiện trạng của nghệ thuật cải lương ở tại quê nhà, NSND Diệp Lang vẫn xúc động bởi đó là một trong những nỗi buồn của ông. Theo lời đạo diễn Diệp Tiên, cha anh đã dự đoán về sự thoái trào của cải lương từ rất nhiều năm trước nhưng không thể làm gì để vực dậy được.

Nguồn: Tổng hợp