Nghệ sĩ Thanh Ngân: Có lúc không đủ tiền ăn cơm

0
839

Hẹn gặp nghệ sĩ Thanh Ngân thật khó. Người ta nói chị bây giờ chỉ làm việc cho… chùa, chẳng còn màng tới lợi lộc, danh vọng nên không mặn mà với giới truyền thông.

Chị cứ thoắt ẩn, thoắt hiện, vừa thấy xuất hiện trên “trực tiếp truyền hình” TP.HCM, hôm sau đã nghe tiếng chị vọng về từ Cần Thơ, Bạc Liêu… Lịch làm việc sít sao. Ðiều khiến không ít người tò mò là tuy không còn khát khao “hơn thua” thi thố trên sàn diễn, song trong năm 2016, nghệ sĩ Thanh Ngân vẫn nhẹ nhàng lấy về một lúc hai giải thưởng cá nhân qua vở cải lương Cõi thiêng trong Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc: HCV cho vai Út Ngân và giải diễn viên xuất sắc nhất hội diễn. Cho đến nay, dù không còn ở độ tuổi đôi mươi, Thanh Ngân vẫn là cô đào thanh sắc toàn vẹn khó ai bì kịp.

Là hậu duệ của một gia đình có truyền thống nhiều đời làm nghệ thuật nổi tiếng (ông cố là bầu gánh Tân Hí Ban, ông bà ngoại là đào kép Hai Long – Tư Hélene, cha mẹ là diễn viên Hoài Châu – Kim Hoa… đến chị ruột là các nghệ sĩ Thanh Hằng, Ngân Quỳnh, Thanh Ngọc), việc theo nghề hát đối với Thanh Ngân là đương nhiên?

Tôi không phủ nhận việc được sinh ra trong gia đình có truyền thống là một lợi thế, vì dù gì trong máu mình cũng ít nhiều có sẵn gen nghệ thuật. Ba tuổi, tôi đã được cho ra sân khấu, nói có vài câu thoại mà khán giả cười rần rần; năm tuổi, tôi đã tự tin nói với má rằng lớn lên con sẽ hát như Thanh Kim Huệ, sẽ diễn như cô Thanh Nga, làm ra nhiều tiền để xây nhà cho má ở, mua xe cho má đi, sắm hột xoàn cho má đeo… Thế nhưng khi lên 10 tuổi, tôi không thích đi hát nữa, muốn học văn hóa lên cao để chọn nghề khác vì thấy nghề hát lăn lóc, bấp bênh quá.

Tôi vốn sáng trí, học giỏi nên lúc đầu ước mơ học luật tới thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng ba má không cho vì nhà nghèo, tôi “hạ” xuống ước học làm răng hoặc học may, nghề nào cũng được, miễn có cuộc sống ổn định. Nhưng rồi hoàn cảnh gia đình lúc đó quá khó khăn, ba má tôi đã lớn tuổi, chỉ còn hát vai lão, vai mụ, kinh tế trông chờ vào một mình tôi. “Giàu út ăn, khó út chịu”, tôi đành phải đi hát theo ý muốn của ba má. Mười sáu tuổi, tôi được ba dắt vào nghề, đưa xuống Ðồng Tháp hát thử.

Ðó là con đường học vấn luôn gặp trở ngại, mỗi khi nhớ về, cảm xúc tiếc nuối vẫn tràn ngập trong tôi. Sau khi biết không có điều kiện học tiếp văn hóa mà phải chọn con đường nghệ thuật, trước thời gian đi hát thử, tôi có tham gia cuộc thi ca nhạc, qua hai vòng, được các chú nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, Xuân Hồng thương quý, động viên rằng nếu vào tới chung kết sẽ được suất học bổng vào trường Âm nhạc TP.HCM nhưng chẳng may, tôi bị bệnh đành bỏ ngang.

Nhớ về tuổi thơ, điều gì Thanh Ngân khó quên nhất?

Tôi mê đoàn đồng ấu Bạch Long, muốn nhận nghệ sĩ Bạch Long làm thầy để được học vũ đạo, múa thương, múa giáo cũng không được vì tôi phải thường xuyên đi lưu diễn ở các tỉnh xa. Phải giã từ ước mơ học lên cao, đến bây giờ, ước mơ có bằng đại học vẫn luôn day dứt trong tôi. Vậy nên, hễ có fan trẻ nào (mà Thanh Ngân coi như con) báo: “Út ơi, con đã có bằng đại học rồi” là tôi vui như chính mình đạt được vậy.

Không tự chọn nghề, đi hát là tuân theo ý muốn của cha mẹ, vậy vì sao Thanh Ngân lại theo nghiệp diễn đến tận bây giờ?

Ðúng là tôi đã không được chọn tương lai theo ước mơ, nhưng may mắn là khi bước vào nghề hát lại thấy tràn đầy đam mê. Tính tôi từ nhỏ, một khi đã hạ quyết tâm thì làm gì cũng phải làm cho chỉn chu, cho hết trí lực của mình, đạt mức tốt nhất có thể. Biết mình không thể đi con đường nào khác ngoài con đường này thì nỗ lực hết sức, cố gắng đáp lại sự kỳ vọng của ba má.

Tôi đi hát được một năm thì lên đào chánh. Có lẽ chất nghề hình thành từ trong máu nên tôi học rất nhanh, không trường lớp chính quy song tôi biết học ở mọi người chung quanh, từ ba má, từ các nghệ sĩ đi trước và nhất là từ các chú thầy đờn trong đoàn. Không những ca diễn, tôi còn làm MC, ngâm thơ hậu trường, hát tân nhạc… trong phần dạo đầu 30 phút ca nhạc trước khi mở màn để kiếm thêm tiền phụ gia đình.

Ði theo sân khấu cải lương, quãng thời gian nào Thanh Ngân thấy khó khăn nhất?

Thời tôi mới đi hát, khó khăn nhiều lắm. Ðoàn chỉ diễn được ở những nơi không có đầu máy video. Những quán cà phê có mở băng cải lương, người ta không đi coi, đoàn ế. Lúc hát ế, không ai bù lỗ, đào kép không có tiền. Những khi ban quản lý đoàn có xung đột nội bộ, ăn không đồng, chia không đủ, ngủ đêm sáng ra thấy gánh tan rã, mình cũng không biết đi đâu, về đâu. Ði hát ở miền Trung gặp lúc lũ lụt, có khi phải ngồi chờ nước lụt rút từ đêm đến sáng. Nhiều lúc túng thiếu đến không đủ tiền ăn cơm, phục trang phải đi mượn.

Nhưng cũng từ những khó khăn đó, tôi nhận được những ân tình từ nhiều người. Về Sài Gòn, gia đình tôi không có nhà, vợ chồng nghệ sĩ Thanh Ðiền – Thanh Kim Huệ cho tá túc ở trụ sở Ðoàn Sài Gòn 1; chị Thoại Mỹ cho áo đầm, chị Thanh Thanh Tâm cho son phấn; các đạo diễn Phượng Hoàng, Lê Lộc… luôn ưu ái dành vai cho tôi mỗi khi quay phim video cải lương mới.

Khó khăn như vậy, có lúc nào Thanh Ngân muốn bỏ nghề?

Sau những lần rã gánh, tôi thấy mờ mịt gần như tuyệt vọng. Nhưng tôi có niềm tin vào tổ nghiệp rất lớn. Niềm tin chính là sức mạnh, biến điều không thể thành điều có thể. Tôi thấy mình được quyền té, vấp ngã nhưng phải đứng lên. Tôi tự động viên, ta được quyền quyết định hiện tại và tương lai của mình, đừng đánh mất quyền thiêng liêng đó. Trên đời không có việc gì khó, núi dù cao mấy cũng có đỉnh, khó khăn dù lớn mấy cũng có giới hạn, trong khi tiềm lực con người thì vô hạn.

Chỉ cần có tinh thần lạc quan, tích cực “tiến công” thì mọi khó khăn trắc trở sẽ phải chịu cúi đầu. Phải luôn thành tâm hướng thiện và phải chiến thắng chính mình thì sẽ chiến thắng tất cả những gì đến và đi trong cuộc đời này. Nhờ xác tín những điều như trên, tôi chưa hề có ý định bỏ nghề. Và quả thật, mình bền chí, những gian nan rồi cũng qua. Tôi bắt đầu dành dụm được từ khi các chương trình đại nhạc hội được tổ chức thường xuyên, rồi đến phong trào sản xuất video cải lương nở ra rầm rộ, được mời đi hát tăng cường cho các đoàn tỉnh… Nhờ đó, tôi đã thực hiện được điều ước hồi nhỏ với má, là mua nhà, sắm xe…

Xem Thanh Ngân ca diễn, không ít người cho rằng Thanh Ngân có nhiều nét giống nghệ sĩ Thanh Nga. Thanh Ngân nghĩ gì về lời khen ngợi đó?

Ba má tôi có một thời gian đi đoàn Thanh Minh nhưng tôi chưa bao giờ được gặp nghệ sĩ Thanh Nga ngoài đời. Vậy mà không hiểu sao, thỉnh thoảng tôi lại nằm chiêm bao thấy cô Thanh Nga, nhất là những khi chuẩn bị tập các vai cô từng sắm lúc sinh thời. Tôi rất vinh hạnh được chọn vào những vai cô từng hóa thân…

Hỏi rằng nghĩ gì về những lời khen đó, thật lòng tôi chẳng dám nghĩ gì, chỉ biết cảm ơn tổ nghề, cảm ơn cô Thanh Nga vì hình mẫu quá đẹp mà cô đã để lại, cảm ơn khán giả vì đã dành cho Thanh Ngân tình cảm ưu ái. Riêng phần mình, là thế hệ đi sau, được sắm những vai diễn phần nào đã trở thành kinh điển của cô, mỗi lần nhận vai, tôi luôn cầu xin cô phù trợ, để có thể tái hiện những hình tượng đẹp của cô một cách trọn vẹn nhất có thể trên sàn diễn.

Có một điều nghịch lý hiện nay là sàn diễn cải lương thường “tắt đèn” nhưng nghệ sĩ cải lương Thanh Ngân lại làm không hết việc. Thanh Ngân lý giải điều này như thế nào?

Tôi nghĩ, nghệ thuật cải lương vẫn là món ăn tinh thần được công chúng yêu thích nhưng khán giả bây giờ đã khác xưa, không mấy ai chịu ngồi xem một vở dài mấy tiếng đồng hồ. Tôi may mắn thường xuyên được mời tham gia các sự kiện ở nhiều tỉnh, vừa ca cổ vừa ca tân nhạc, cũng như diễn các trích đoạn về các anh hùng dân tộc…

Ngoài ra, tôi còn thực hiện các chương trình thu hình về đề tài Phật giáo do Công ty Chơn Tâm của mình sản xuất nên công việc luôn tất bật. Theo tôi biết, tuy sân khấu cải lương không thường xuyên đỏ đèn được như xưa, song nhiều nghệ sĩ trẻ cũng hoạt động nghệ thuật dưới nhiều hình thức khác. Tuy vậy, khát khao của những diễn viên như chúng tôi vẫn là được hát trong những vở cải lương đúng nghĩa, được đầu tư nghiêm túc. Những vở như vậy bây giờ chỉ xuất hiện trong các kỳ hội diễn, liên hoan của ngành.

Thanh Ngân đã đoạt khá nhiều giải thưởng như hai lần giải Mai Vàng, hai lần HTV Awards, còn trong các cuộc hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp thì hầu như hễ Thanh Ngân có thi là có giải thưởng cao. Có phải vì vậy mà bây giờ Thanh Ngân không hào hứng với các giải thưởng nữa?

Ở những cuộc khán giả bầu chọn, tôi muốn nhường lại cho lớp trẻ, mình đã được rồi nên để cho người khác phấn đấu. Nếu mình dự hoài, họ khó có cơ hội. Chỉ những cuộc thi chuyên nghiệp mới cho tôi cơ hội được gặp gỡ đồng nghiệp, được có những ngày lao động nghệ thuật thực sự, được soi xét, thẩm định nghề nghiệp từ ban giám khảo có chuyên môn để giúp mình hoàn thiện hơn. Tiếc là những cuộc “làm nghề” như vậy quá ít.

Lâu nay, Thanh Ngân chuyên tâm đến việc thực hiện những chương trình ca cổ Phật giáo thiện nguyện hơn là chuyện chạy sô kiếm tiền?

Triết lý nhà Phật có những điều giúp mình sống hướng thiện. Tôi ngộ ra rằng đời người ngắn lắm, mới ngày nào còn nhỏ, giờ đã trên bốn mươi rồi nên tự nhắc mình, trên đời này không có gì chắc, chỉ có một thứ chắc là trước sau gì mình cũng chết. Tôi không còn cầu lợi gì cho mình, buông bỏ mọi thứ trong tích cực, muốn sống cho người khác. Tôi luôn ý thức giữ gìn sức khỏe, giữ cho con người mình luôn ở trạng thái quân bình, chừng mực từ ăn uống, đi đứng, hành động, nói năng… Tập yoga, thiền để tìm sự tĩnh tại.

Tôi từng có trải nghiệm là mình cầu quá nhiều thứ, cuối cùng lại được những thứ mình không muốn. “Sống đơn giản, cuộc đời thanh thản. Sống hồn nhiên, cuộc đời bình yên. Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn. Hạnh phúc đích thực của con người chỉ có bấy nhiêu thôi. Tội gì phải ngày tính đêm lo, phải lao tâm nhọc trí, sống trong phiền não bất an. Mình không có dép để mang nhưng nhìn lại còn có người không có chân để đi, vậy nên đừng sân si…”, đó là những điều tôi tâm niệm.

Tôi có một nhóm gồm bảy cô gái, sống với nhau như một gia đình, đã và đang cùng nhau đi trên một quãng đường đời, phân công nhau thực hiện các chương trình cải lương Phật giáo với mục đích từ thiện dưới tên gọi Công ty Chơn Tâm. Chúng tôi đã bỏ tiền riêng thực hiện trên 10 cuốn DVD gồm những bài ca cổ Phật giáo và trích đoạn những câu truyện về Phật phát không cho công chúng.

Xem thêm: 

Nghệ sĩ Mạc Can ‘Trúng số độc đắc’ an tâm dưỡng bệnh ở tuổi 76

Mới đây, nhà văn – danh hài Mạc Can may mắn “trúng số độc đắc”, an hưởng tuổi già khi ký kết thành công hợp đồng tác quyền 10 năm với 13 tác phẩm đã công bố và cuốn hồi ký mới ra mắt.

Được biết, nghệ sĩ Mạc Can nổi tiếng là một cây bút rất có duyên và “ăn khách”. Mỗi tác phẩm của nhà văn Mạc Can ra mắt đều “đắt như tôm tươi”. Mặc dù ít học từ nhỏ vì gia cảnh nghèo khó nhưng trong ông luôn нừng нực ngọn lửa đam mê với nghệ thuật, với con chữ.

“Nếu khát nước chỉ cần chạy tìm bình nước uống một lèo là đã khát ngay, nhưng để giải tỏa cơn khát chữ, tôi phải về lại miền Tây Nam bộ, tìm đến trước những cổng trường mà ghe hát của ba má tôi hay đi qua, như ngày xưa tôi lặng đứng bên cửa sổ chờ tiếng trống trường để nghe thầy cô dạy chữ cho bọn nhỏ: A, B, C… thì tôi đánh vần theo, để nhờ học lóm mới có được một Mạc Can như hôm nay”, nghệ sĩ Mạc Can tâm sự.

Nhà văn Mạc Can ký kết hợp đồng tác quyền 10 năm với NXB Trẻ.

Ông Nguyễn Thành Nam, Q.Tổng biên tập, Phó Giám đốc NXB Trẻ cũng phải dành lời khen ngợi cho tài năng của ông: “Tác giả Mạc Can là một cộng tác viên khá lâu năm của NXB Trẻ. Nhiều tác phẩm của ông đã được in tại đơn vị chúng tôi và được sự đón nhận nồng nhiệt của bạn đọc. Lần tái ký này, ngoài 13 tác phẩm (đã công bố) còn có phần bản thảo hồi ký mới (chưa công bố) của Mạc Can”.

Theo đó, NXB Trẻ đã mua bản quyền 10 năm nhiều tác phẩm của nhà văn Mạc Can như Tấm ván phóng dao, Vừa đi vừa suy nghĩ vừa nhìn, Nhớ, Món nợ kịch trường, Tờ 100 đô la âm phủ, Cuộc hành lễ buổi sáng, Tạp bút Mạc Can, Người nói tiếng bồ câu, Phóng viên mồ côi, Những bầy mèo vô sinh, Ba… ngàn lẻ một đêm, Quỷ với Bụt và Thần chết, Tuyển tập Mạc Can, Hồi ký Mạc Can (chưa công bố).

Ở tuổi xế chiều, nghệ sĩ Mạc Can đi lại khó khăn do Sức Khỏe yếυ và мắc nнιềυ căn вệnн.

Sau khi đιềυ тrị tại Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM), sức khỏe của nghệ sĩ Mạc Can đã dần hồi phục. Tuy nhiên, chiếc xe máy mới được Trấn Thành tặng hồi trước nay đã phải nằm yên một chỗ vì cнấn тнương cнân trước đó của ông.

Nghệ sĩ Mạc Can vô cùng trân quý chiếc xe máy được Trấn Thành tặng.

Q.Tổng biên tập, Phó Giám đốc NXB Trẻ Nguyễn Thành Nam cũng cho biết thêm: “Trong quá trình xây dựng và phát triển NXB Trẻ trong 40 năm qua, bên cạnh việc phát hiện, bồi dưỡng các cây bút trẻ, chúng tôi còn chú trọng đầu tư và xuất bản những tác phẩm lịch sử, văn hóa – khảo cứu, văn học của những nhà nghiên cứu, nhà văn có tầm ảnh hưởng ở các vùng miền trong cả nước. Ví dụ chúng tôi đã xuất bản 1.000 năm Thăng Long Hà Nội (Nguyễn Vinh Phúc), 700 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế (Nguyễn Đắc Xuân), sách của Toan Ánh, Vương Hồng Sển, Sơn Nam…”.

“Đồng thời, sở dĩ chúng tôi chọn ký dài hạn và ứng trước cho tác giả Mạc Can một khoản tiền tương đối khá để cám ơn ông và hỗ trợ tiền cнữa тrị вệnн đang вủa vây ông lúc tuổi già”, ông Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.

Hy vọng nghệ sĩ Mạc Can sớm phục hồi sức khỏe và có thể sống cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc an hưởng tuổi già.

Theo Doanh nhân Việt Nam