Khi nhắc đến đệ nhất tiểu thuyết gia võ hiệp Kim Dung, nhiều nghệ sĩ từng diễn các vở tuồng cải lương xưa được chuyển thể từ tiểu thuyết của ông đã bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc. .
Kim Dung là một trong những tiểu thuyết gia ảnh hưởng nhất của văn học Trung Quốc thời hiện đại. Ông là “cha đẻ” của hàng loạt tiểu thuyết kiếm hiệp được chuyển thể thành phim như: Thần điêu đại hiệp, Anh hùng xạ điêu, Lộc Đỉnh Ký, Tiếu ngạo giang hồ,…
Tiểu thuyết gia kiếm hiệp Kim Dung qua đời, để lại nỗi tiếc thương cho hàng vạn người hâm mộ
Không chỉ thành công khi chuyển thể sang điện ảnh, các tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung cũng mang đến không ít thành công cho các nghệ sĩ Việt Nam khi được mang lên trình diễn ở các sân khấu cải lương trong nước. Thậm chí, tiểu thuyết Kim Dung đã từng cứu nguy cho sân khấu cải lương Việt Nam khỏi giai đoạn khó khăn khi các tác phẩm đều trong giai đoạn bão hòa.
Nhiều nghệ sĩ cải lương Việt Nam đã bày tỏ lòng thương tiếc trước sự ra đi của cây bút kiếm hiệp đại tài Kim Dung. Theo đó, NSND Lệ Thủy chia sẻ: “Du nhập vào Sài Gòn thập niên 70, cải lương kiếm hiệp đa phần được dàn dựng trên sân khấu Kim Chung, Kim Chưởng, Dạ Lý Hương. Tôi còn nhớ tuồng “Cô gái Đồ Long” được hai soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng sáng tác đã tạo cơn sốc đỉnh điểm đối với khán giả mộ điệu cải lương thời đó. Từ những trang sách được dịch tiếng Việt mà người dân thích đọc, họ đã có thêm những cảm xúc dạt dào khi xem nghệ sĩ cải lương biểu diễn trên sân khấu”.
Nghệ sĩ Minh Vương và NSND Lệ Thủy trong vở cải lương kiếm hiệp “Máu nhuộm sân chùa”
Trong khi đó, nghệ sĩ Minh Vương tâm sự rằng bản thân đã đọc nhiều tác phẩm của Kim Dung và rất thích cụm từ “Võ lâm minh chủ” mà người ta hay dùng để gọi ông. “Các cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng nhất của ông đều được chuyển thể thành các bộ phim đình đám, tạo tiếng vang xa như “Anh Hùng Xạ Điêu”, “Thần Điêu Đại Hiệp”, “Ỷ Thiên Đồ Long Ký”, “Lộc Đỉnh Ký”, “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, “Thiên Long Bát Bộ”… mà với giới sân khấu cải lương thì không xa lạ khi các soạn giả một thời lừng lẫy đã chịu nhiều ảnh hưởng trong sáng tác kịch bản cải lương kiếm hiệp thời đó.” – “Khôi nguyên vọng cổ” 1994 Minh Vương chia sẻ.
Nghệ sĩ Minh Vương và Minh Châu trong một vở cải lương kiếm hiệp xưa
Bên cạnh đó, danh ca huyền thoại của sân khấu cải lương Việt Nam, nghệ sĩ Minh Cảnh tiết lộ những tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung đã một thời cứu nguy cho sân khấu cải lương Việt Nam khi lâm vào cảnh thiếu kịch bản hay, bị khán giả Sài Gòn quay lưng.
“Trước xu thế đó, các ông bà bầu đã buộc các soạn giả thường trực phải sáng tác ngay những kịch bản cải lương ăn theo trào lưu kiếm hiệp để cứu nguy sàn diễn. Cặp mắt nhìn xa trông rộng của các ông bà bầu thời đó như bầu Long (Kim Chung), bầu Kim Chưởng, bầu Xuân (Dạ Lý Hương)…đã thúc đẩy các soạn giả như Mộng Vân, Hà Triều, Hoa Phượng, Yên Lang, Nguyên Thảo, Yên Ba, Mộc Linh, Hoàng Khâm, Thế Châu, Nhị Kiều, Viễn Châu…xoay trục sang sáng tác cải lương kiếm hiệp. Mà muốn viết hay thì phải đọc, phải nghiên cứu. Thế là họ vào cuộc, tìm những tứ hay nhất của tác phẩm Kim Dung mà đưa vào sáng tác cải lương” – Nghệ sĩ Minh Cảnh bồi hồi nhớ lại.
Nghệ sĩ Minh Cảnh và NSƯT Mỹ Châu, hai cái tên nổi bật của sân khấu cải lương kiếm hiệp Việt Nam một thời
Ông cũng nhấn mạnh nét độc đáo của các soạn giả khi chuyển thể từ tiểu thuyết kiếm hiệp Kim dung là không minh họa khô khan những câu chuyện hận thù trong giới võ lâm mà chọn thông điệp nhân văn gần với chất cải lương mà chỉ có cải lương mới chuyển tải hết.
NSƯT Thanh Nam và cái tâm quyết làm cải lương sống mãi
Lập đoàn cải lương xưa tư nhân hoạt động ở Miền Tây, NSƯT Thanh Nam chia sẻ: “Nếu biết làm và làm đúng, cải lương vẫn có thể sống được ở tỉnh lẻ”.
Đảm bảo chất nghệ thuật và tính giải trí
Giữ trọng trách trưởng Đoàn cải lương Nhân dân Kiên Giang trong 40 năm, NSƯT Thanh Nam chính thức nghỉ hưu vào đầu năm 2018. NSƯT Thanh Nam không ngừng trăn trở về món nợ với Tổ Nghiệp: “Tôi sống nhờ Tổ nghiệp, nợ này rất lớn. Nghỉ hưu, nếu hưởng phước riêng coi như mình phỉ báng lời nguyện cầu lúc trẻ rằng cho được hát hay, bà con thương, con sẽ cả đời phụng sự Tổ nghiệp. Vì vậy, tôi lao vào gầy dựng đoàn hát theo kiểu của mình.”
50 năm gắn bó với sân khấu, NSƯT Thanh Nam luôn chạnh lòng mỗi khi nhắc đến món nợ của mình với chiếc nôi nghệ thuật
Ông tổ chức đội ngũ với 10 diễn viên nồng cốt, ban nhạc cổ, ban hậu đài để đủ “chạy show”. Tùy theo quy mô chương trình và đơn đặt hàng của doanh nghiệp mà đoàn sẽ có cách dàn dựng khác nhau. Đoàn của ông cũng thường được UBND tỉnh Kiên Giang mời mỗi dịp lễ hội Nguyễn Trung Trực vì vừa hoành tráng, đảm bảo được tính nghệ thuật vừa đảm bảo tính giải trí với những nghệ sĩ tên tuổi như: Lệ Thủy, Thanh Ngân, Thoại Mỹ, Trọng Phúc, Quế Trân,…
Với cách làm này, nghệ sĩ Thanh Nam đang rất tự tin và vững tâm trên con đường mình đã chọn vì ông cho rằng: “Cải lương ĐBSCL “chết” là vì các đoàn quốc doanh cứ bám vào “bầu sữa” bao cấp, không tự đi tìm “chất dinh dưỡng” nuôi sống mình. Tôi đang vững lòng đi tới”.
Cải lương muốn sống được lâu dài thì người làm cải lương phải biết nhìn xa trông rộng
Giữa thời điểm các đoàn cải lương Nam Bộ đều đang gặp khó khăn trong vấn đề hoạt động vì không có khán giả. Nhiều đoàn không trụ được nên phải giải thể khiến đời sống các nghệ sĩ, nhân viên trong đoàn cũng trở nên khó khăn. Chính vì vậy mà việc làm thế nào để giữ chân khán giả đến với sân khấu của mình lâu dài chính là nỗi trăn trở đối với tất cả các trưởng đoàn.
NSƯT Thanh Nam và NSƯT Thanh Ngân trong vở “Cơn mơ cuối cùng” của Đoàn Cải Lương Nhân dân Kiên Giang
Nghệ sĩ Thanh Nam cho rằng, cải lương muốn đi vào và tồn tại trong đời sống thì phải bám rễ từ sự yêu thích của khán giả: “Phải nhìn xa trông rộng. Tôi đến với bà con nông dân, nghe họ muốn coi tuồng gì. Giữa thời buổi giới trẻ quyết định hình thức giải trí cho người già – bộ phận khán giả chính của cải lương, việc thanh niên chở bà nội, ông ngoại hay đưa bố mẹ đi coi cải lương chắc chắn là khó, nói chi đến chính thanh niên vào xem. Cho nên, phải nghe ngóng, xem từng đối tượng khán giả thích gì thì mình nương theo nhu cầu của họ. Phải chọn lọc tuồng, sáng tác kịch bản theo nhu cầu, quan tâm của mọi độ tuổi. Công nghệ hiện đại phải được đưa vào ứng dụng cho cải lương. Chỉ cần một ngón tay chạm nhẹ màn hình là khán giả trẻ biết vở diễn có nghệ sĩ nào. Các clip quảng bá được đưa lên mạng, có các ngôi sao phát biểu, gọi mời, chính thương hiệu của ngôi sao sẽ kéo khán giả đến rạp” – Ông quan niệm.
Nhận xét về cách làm của ông, nghệ sĩ Lệ Thủy nhìn nhận: “Diễn phục vụ, anh ấy gom 3 suất vào 1, treo bảng hiệu, quảng cáo tên nghệ sĩ như một đoàn hát lớn, khán giả đến xem đông nghẹt. Qua đó, anh quảng bá cho việc bán vé suất diễn sau, cứ thế mà thắng đậm. Đúng là cách làm rất Thanh Nam”.
NSƯT Thanh Nam và Nghệ sĩ Lệ Thủy trong vở “Tô Ánh Nguyệt”
Với cách làm này, ông ký hợp đồng với các nghệ sĩ ngôi sao và dàn dựng những vở cải lương kinh điển để lôi kéo thật đông khán giả đến với mình. Bên cạnh đó, ông cũng đặt hàng các soạn giả viết các vở đương đại, phản ánh đúng những cảm xúc của con người ngày nay trước xã hội. Bằng chính nỗ lực và cái tâm làm nghề của mình, nghệ sĩ Thanh Nam vẫn luôn duy trì ổn định hoạt động của Đoàn mình trong suốt 40 năm qua.
Nguồn: cailuongviet