Home Giải trí ‘Kép độc’ NSƯT Trường Sơn chỉ mong được khán giả ghét

‘Kép độc’ NSƯT Trường Sơn chỉ mong được khán giả ghét

0
2355

Nhắc đến NSƯT Trường Sơn người ta sẽ nhớ đến những vai diễn độc, lạ, dị. Những vai diễn ấy đã giúp ông trở thành gương mặt ấn tượng của sân khấu và đến nay, người ta vẫn nhắc đến cái tên Trường Sơn khi nói đến các kép độc.

Ngôi nhà của NSƯT Trường Sơn nằm gần cuối con hẻm Đình Cầu Quan (nay là đình Thái Hưng) Q.1. Đây là ngôi nhà cuối cùng của gia tộc bầu Thắng – Minh Tơ còn hiện hữu ở nơi đã từng lưu dấu thời vàng son của gia tộc từ cách đây gần một trăm năm.

Ngày tôi đến nhà NSƯT Trường Sơn cũng là ngày diễn ra Lễ Kỳ Yên ở đình Cầu Quan. Ông nói gần 10 rồi lễ  Kỳ Yên ở Đình Cầu Quan mới nhộn nhịp, đông vui như vậy. Gần 10 nay, sau phần nghi lễ, các NS mới lại cùng nhau ca diễn để phụng cúng đình và cùng ôn lại những ký ức không bao giờ quên của cả gia tộc Bầu Thắng – Minh Tơ ở ngôi đình này.

'Kep doc' NSUT Truong Son chi mong duoc khan gia ghetNSƯT Trường Sơn thời trẻ

Lâu lắm rồi nơi đây mới lại rộn rã tiếng trống, tiếng đờn, tiếng ca… Con hẻm nhỏ hôm đó bỗng nhộn nhịp, đông vui khác lạ. Âm thanh từ phía trong đình đã đưa NSƯT Trường Sơn trở về với ký ức của hơn nửa thế kỷ trước. Quá khứ như những thước phim quay chậm qua lời kể  của NSƯT Trường Sơn.

Là con trai nghệ sĩ Bảy Đực – tay trống xuất sắc của gánh hát Vĩnh Xuân – Khánh Hồng (sau đổi thành gát hát hồ quảng Minh Tơ – Khánh Hồng) – mới 7, 8 tuổi cậu bé Trường Sơn đã được học hát ở nhóm Đồng ấu Minh Tơ. Đồng môn khi đó của Trường Sơn là Thanh Tòng, Bửu Truyện, Xuân Yến, Thanh Loan, Bo Bo Hoàng, Thành Tốt, Vũ Đức, Thanh Hoàng…

Thời đó, đại gia đình Khánh Hồng – Minh Tơ cùng ăn, cùng ngủ ở ngôi đình Cầu Quan. Mỗi gia đình nhỏ chia nhau một khoảng không gian dưới gầm sân khấu. Người lớn muốn “về nhà” đều phải khom mình vì cái gầm sân khấu rất thấp. Trẻ con, dù là con bầu gánh hay con của đào kép hát đều có chung một kỷ luật như nhau. Tất cả đều phải đi học chữ ở trường. Ngoài giờ học thì cùng nhau học ca, học diễn, học võ, học vũ đạo…

Kỷ luật dành cho các cô cậu đào kép nhí luôn luôn là kỷ luật thép. Trong giờ tập, ai lơ là, chểnh mảng ca trật nhịp, múa võ, đứng tấn sai thế là bị ăn đòn liền tức thì. Lạ một điều, ai cũng sợ đòn tê tái, nhưng so ra giữa bị đòn và bị đuổi ra khỏi hàng, không được học cùng bạn bè thì… thà bị đòn còn hơn.

Thời đó, ở Đồng ấu Minh Tơ, mới hơn 10 tuổi, anh kép nhí Trường Sơn và Thanh Tòng đã được giao cho đảm nhận nhiều vai diễn quan trọng trong các tuồng Hồ Quảng: Lữ Bố, Triệu Tử Long, Châu Du, Quan Công, Quan Bình, Châu Xương, Trịnh Ân, Tống Nhơn Tôn, Bao Công…

Nhưng đó là chuyện trên sân khấu, khi rời sàn diễn đó, tất cả đào kép nhí lại học chung những bài học khác. Trong một đêm hát, tất cả các khâu đều quan trọng như nhau, kể cả hậu đài hay dàn bao. Thế hệ của ông ngày xưa phải bắt đầu từ những công việc chuẩn bị cho một đêm hát. Chuyển cảnh, chạy cờ, làm sân khấu… ai cũng phải rành rẽ. Người lớn dạy họ là nghệ sĩ không chỉ có biết diễn mà phải biết tất cả mọi việc khác có liên quan đến sân khấu, đêm diễn… để khi ra nghề mình hiểu đã làm đúng hay sai và để không ai có thể ăn hiếp được mình.

“Chúng tôi được học mọi lúc, mọi nơi, trong mọi công việc. Thậm chí có khi đi lấy nước để người lớn uống, chúng tôi phải đi bằng các động tác vũ đạo. Phải làm sao để nước không đổ khi di chuyển. Bị ăn đòn nhiều nhất là khi tập võ và tập ca. Bị đòn rất đau nhưng sau những lần đó, chúng tôi tự biết rèn mình để không bao giờ lập lại sai lầm. Cứ vậy, chúng tôi trưởng thành và luôn thầm cảm ơn các bậc tiền bối đã trang bị cho chúng tôi sự vững vàng, tự tin để có thể hoá thân vào tất cả các dạng vai, tính cách nhân vật trên sân khấu” – giọng NSƯT Trường Sơn run run khi nhắc lại những ký ức đã xa.

Thành danh nhờ kép độc

Những bức ảnh đã hoen màu treo gần kín vách tường của ngôi nhà nhỏ. Đó là những ký ức tuyệt vời của gia đình NSƯT Trường Sơn. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện về một vai diễn để lại nhiều dấu ấn của các thành viên trong gia dình ông.

Hào hứng “khoe” tấm hình Huỳnh Công Lý (vở Trung thần), ông nói đây là vai kép độc mới nhất của ông. “Thành công với các vai kép độc như một cơ duyên may mắn của tôi, bởi từ khi mới bắt đầu được học nghề, tôi đã được cha và thầy chỉ dạy nếu theo nghề hát  thì không bao giờ được phân biệt vai chính phụ, lớn nhỏ. Một kép hát giỏi phải là người có thể hoá thân  thành tất cả các nhân vật và có đủ khả năng biểu diễn để khán giả quên hình ảnh người nghệ sĩ mà chỉ còn nhớ tới nhân vật trên sân khấu”- ông cười, giọng cười giòn tan, ấm áp.

Hơn nửa thế kỷ theo nghề hát, NSƯT Trường Sơn đã có một bộ sưu tập các vai diễn đáng nể: Nguyễn Địa Lô (Cánh nhạn mù sương), Tôn Thất Thuyết (Giai nhân dũng tướng), Tô Hiến Thành (Tô Hiến Thành xử án), Bao Công (Bao Công vô lò gạch, Bao Công xử án Ngọc Tuyền), Hoàng Phi Hổ (Hoàng Phi Hổ quy châu), Đổng Thừa (Tờ huyết thệ), Lý Đạo Thành (Câu thơ yên ngựa), Vương Tư Đồ (Phụng Nghi Đình), Tổng Kỳ (Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ), Châu Du và Ngô Tôn Quyền (Cầu hôn giang tả), Kiết Bình (Mã Siêu báo phu cừu), Dương Nghiệp (Dương Gia Tướng), Ngũ Tử Tư (Giang sơn và mỹ nhân), Dương Sở Thành (Thái Bình công chúa)…

Nhưng, chẳng biết từ bao giờ hễ nhắc đến kép độc của cải lương, trong danh sách các kép độc nổi tiếng một thời không bao giờ thiếu tên NSƯT Trường Sơn với các vai diễn Bàng Hồng (Xử án Bàng Quí Phi), Bàng Đức (Bao Công đại chiến Bàng Đức), Phạm Khanh (Thanh gươm nữ tướng), Tô Định (Tiếng trống Mê Linh), Huỳnh Công Lý (Trung thần)…

NSƯT Trường Sơn dí dỏm: “Chắc tại tôi đóng “kép dê” thấy ghê quá nên khán giả ấn tượng”.

Bao nhiêu năm trôi qua, ông vẫn nhớ như in “sự cố” xảy ra thời ông còn trai trẻ trên sân khấu đình Cầu Quan: “Hồi đó hát tuồng chủ yếu hát cương theo tích truyện Tàu, mỗi ngày hát một đoạn trong các tích truyện nổi tiếng thời bấy giờ, nên tôi không còn nhớ rõ tên tuồng, tên nhân vật, chỉ nhớ đang diễn vai dê gái, tôi giật mình khi nghe tiếng chửi “thằng dịch dê xồm” sang sảng từ hàng ghế khán giả. Lúc đó đang hoá trang hát tuồng, chớ không chắc nhìn mặt tôi đỏ bừng vì những lời mắng nhiếc rất nặng. Thời còn trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm, phải một chút sau tôi mới lấy lại bình tĩnh và tập trung cho nhân vật, nếu không chắc tôi đứng hình, khỏi diễn luôn”.

'Kep doc' NSUT Truong Son chi mong duoc khan gia ghetVai Huỳnh Công Lý – vở Trung thần

Cuộc sống muôn hình vạn trạng, sân khấu phản ánh những góc nhìn khác nhau về cuộc sống nên kép độc cũng không vai nào giống vai nào. Có cái ác lồ lộ ngay từ phục trang, hoá trang nhân vật, nhưng cũng có cái ác được nguỵ trang khéo léo, những mưu đồ tàn độc được mượn tay người khác thực hiện… Lấy điều đó làm “kim chỉ nam” khi đóng kép độc, NSƯT Trường Sơn không tự vẽ ra cho mình một khuôn mẫu kép độc nhất định.

Nhận một vai kép độc mới, ông “xoá” toàn bộ hình ảnh của những vai đã thể hiện để bắt đầu nghiên cứu tính cách, hoàn cảnh, bối cảnh… của nhân vật mới. Những ngăn kéo ký ức, trải nghiệm lại được mở ra, ông chọn lọc ở đó những chi tiết, gam màu phù hợp để phác hoạ nên chân dung cho nhân vật mới của mình. Từ đó, ông tiếp tục thổi hồn cho các vai diễn từ nhấn nhá trong cách ca, cách thoại lời; giọng cười, động tác vũ đạo đến lối diễn bằng mắt ánh mắt, nét mặt hoặc bằng hình thể…

Tự nhận mình không phải là người tài giỏi đến mức có thể “vẽ” mỗi nhân vật là một hình ảnh khác biệt, nhưng NSƯT Trường Sơn nói ông có đủ tự tin để mỗi khi bước ra sân khấu diễn vai kép độc, khán giả sẽ không có cảm giác “đã xem NS Trường Sơn diễn vai giống vậy ở một tuồng khác”.

'Kep doc' NSUT Truong Son chi mong duoc khan gia ghetNSƯT Trường Sơn đang hướng dẫn con cháu tập tuồng

Không nhớ từ bao giờ, NSƯT Trường Sơn có thói quen hay lân la nghe ngóng xem mình đã bị khán giả “ghét” cỡ nào mỗi khi đóng vai kép độc. Hỏi cắc cớ: “Nghệ sĩ chỉ muốn được khán giả yêu thương, còn ông lại muốn bị khán giả ghét. Nghe có vẻ rất… lạ”, ông trả lời mà như đang nhắc với chính mình: “Với người nghệ sĩ, điều quan trọng nhất là phải làm tốt vai diễn của mình, dù chính hay phụ, dù hiền lành hay gian ác. Vai kép độc càng bị khán giả ghét càng thành công. Khán giả càng ghét nhân vật thì càng nhớ mình lâu hơn. Cởi bỏ xiêm y, áo mão, trở về với cuộc đời, mình cố gắng sống cho thật tốt. Cái yêu, cái ghét của khán giả, bạn bè, đồng nghiệp… dành cho mình khi đó mới thực sự quan trọng”.

Nỗi niềm đau đáu

NSƯT Trường Sơn bắt đầu đến với cải lương từ năm 10 tuổi và từ đó đến nay ông đã sống, lao động miệt mài. Càng yêu nghề, ông càng xót xa khi nghệ thuật cải lương dần mất đi vị trí độc tôn trong lòng khán giả. Khi mạng internet ngày càng phát triển, các chương trình truyền hình ngày càng phong phú thì việc lưu giữ tuồng cổ chẳng phải là điều dễ dàng. Với những nghệ sĩ từng gắn bó cả cuộc đời mình cùng sân khấu cải lương tuồng cổ Nam Bộ, việc làm sao để giữ lại sự tinh túy, nét đẹp và để bộ môn nghệ thuật này sống mãi là nỗi niềm đau đáu.

Khi các con quyết định nối nghiệp cha, ông không giấu được niềm trăn trở nhưng chưa khi nào ông cấm cản, bởi ông biết như vậy sẽ có lỗi với tổ nghiệp. “Ông bà đã cho tôi cái nghề, nay lại cho các con của tôi tiếp tục con đường đó, nếu mình ngăn cản thì mang tội lắm. Tôi chỉ dạy các con hãy sống hết mình với nghề khi còn có thể. Có lần, xem con gái biểu diễn ở một sân khấu, khán giả thưa vắng, tôi rớt nước mắt”, NSƯT Trường Sơn tâm sự.

“Kép độc” NSƯT Trường Sơn: Diễn xuất thần, khán giả thấm cái độc, cái ác vì...ghét (Hình 2).

NSƯT Trường Sơn và nghệ sĩ Thanh Loan trong vở Tô Hiến Thành xử án.

Đến nay, các con của ông và nghệ sĩ Thanh Loan đều trở thành những nghệ sĩ tên tuổi của sân khấu cải lương, được khán giả ái mộ. Khi cải lương đã không còn được sức hút như xưa, ông luôn đồng hành bên các con để động viên, dạy bảo và truyền kinh nghiệm. Thời điểm, hai cháu ngoại đến với cải lương, ông đã rất hạnh phúc và lại tận tình chỉ bảo.

Đến nay, NSƯT Trường Sơn dù đã ở cái tuổi xế chiều nhưng vẫn đứng trên sân khấu. Với ông, cuộc sống là sân khấu, thế nên tuổi già, thời thế thay đổi chẳng thể cản bước ông. Điều hạnh phúc hơn cả chính là ông vẫn được khán giả yêu mến, ủng hộ và đón nhận nồng nhiệt khi đứng trên sân khấu. Hiện nay, những đêm diễn có sự xuất hiện của NSƯT Trường Sơn vẫn thu hút nhiều người. Có lần, ông cùng 5 người con của mình hát chung trên sân khấu. Ông nói, đó là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời nghệ thuật của mình…

Đại gia đình nghệ sĩ hạnh phúc

Ông là chồng của cô đào Thanh Loan, nghĩa là rể của nghệ sĩ Minh Tơ. Hai người sinh ra ba cô con gái Ngọc Trinh, Tú Sương, Thanh Thảo đều theo cải lương. Chưa kể hai con với người vợ trước (cô đào Thanh Ngọc) là Tuấn Sang, Thanh Uyên cũng nối nghiệp mẹ cha. Như vậy, gia đình ông đóng góp vào gia phả của nghệ sĩ Thành Tôn, Minh Tơ, Khánh Hồng đến đời thứ 5. Mới đây, khi phát hiện cô bé Hồng Quyên, con của Tú Sương, cũng ca hát rất say mê, thì ông tràn trề hy vọng cải lương sẽ truyền đến đời thứ 6.

Thanh Loan trắng trẻo, xinh đẹp, vũ đạo thuần thục, chuyên đóng vai đào võ, được khán giả ái mộ vô cùng. Sau giải phóng, bà nổi tiếng trong vai Thượng Dương Hoàng hậu (vở Tô Hiến Thành xử án). Đó là vai diễn để đời của bà, dù đã có những Đào Tam Xuân, Hàn Tố Mai thành công rực rỡ.

Tú Sương đoạt huy chương vàng Trần Hữu Trang, cả chục năm nay vẫn là ngôi sao sáng giá. Cô có thể đóng văn lẫn võ, vũ đạo đẹp, tâm lý sâu sắc, giọng ca khỏe khoắn, trong trẻo. Dù chuyện tình duyên dang dở nhưng Tú Sương vẫn sống vui vẻ vì cô có một đại gia đình hạnh phúc. Hai đứa con Tú Quyên, Hồng Quyên mỗi ngày được ông bà ngoại chăm sóc, nấu ăn, đưa đón đi học để bà mẹ trẻ rảnh tay chạy sô nuôi cả nhà.

Đến lượt Thanh Thảo có con, ông bà ngoại tiếp tục làm “vú em” một cách phấn khởi. Cả nhà thêm mấy thành viên nhí mà diện tích vẫn không nở ra bao nhiêu, xem ra rất chật. Nhưng đất hẹp chứ lòng không hẹp, họ vẫn ríu rít trong cái tổ ấm cúng của mình. Trường Sơn cười: “Chắc tại tui với bả cùng tuổi nên nghèo suốt đời. Nhưng nghèo mà vui là được rồi. Mấy đứa nhỏ cũng hiền lành, không bon chen. Tôi dạy tụi nó tổ nghiệp cho gì hưởng nấy, đừng làm chuyện sai trái. Rồi đâu cũng vào đó hết”.

Đình Cầu Quan là một chứng tích của sân khấu xa xưa, mai này không biết có còn tồn tại để hậu thế tìm về? Căn hộ nhỏ của Trường Sơn rồi sẽ ra sao? Ông trầm ngâm: “Tôi không biết. Chỉ mong cho tôi được chết trên sân khấu như con tằm rút đến sợi tơ cuối cùng…”.

Truyền nhân cuối của gia tộc?

Nếu NSND Thanh Tòng được xem là chưởng môn nhân định hướng trường phái ca diễn cải lương tuồng cổ thì NSƯT Trường Sơn chính là người thổi hồn cho những khám phá mới của anh vợ

NSƯT Trường Sơn được xem là người kế thừa di sản của gia tộc Bầu Thắng – Minh Tơ, sau khi NSND Thanh Tòng qua đời. Trọng trách của ông là truyền nghề ca diễn cải lương tuồng cổ cho hậu thế nhưng xem ra đây là công việc gian truân đối với ông.

Áp lực tìm hậu bối chân truyền

Mái tóc bạc trắng, đôi mắt bắt đầu không còn nhìn rõ mặt chữ, thế nhưng, đôi chân và đôi tay của ông vẫn rất linh hoạt, làn hơi vẫn sang sảng đầy nội lực. Mỗi ngày, ông vẫn có mặt ở sân đình Thái Hưng, nơi xưa kia là điểm biểu diễn của Đoàn Cải lương Minh Tơ – Khánh Hồng, để dạy nghề cho con cháu và hậu bối trân quý bộ môn tuồng cổ. Gia tộc Bầu Thắng – Minh Tơ, tính đến cháu ngoại của ông (bé Kim Thư đang là gương mặt nhí nổi bật sau bộ phim “Nắng”), đã có đến 6 đời ăn lộc Tổ nghiệp.

Ngôi nhà nhỏ của NSƯT Trường Sơn nằm trong con hẻm dẫn vào đình Thái Hưng, ông sinh sống ở đây 60 năm qua. Không gian nhỏ này là nơi các nghệ sĩ: Tú Sương, Ngọc Nga, Lê Thanh Thảo lớn lên, mỗi ngày reo vang tiếng đàn lời ca. Trong gia tộc, nếu NSND Thanh Tòng được xem là chưởng môn nhân định hướng trường phái ca diễn cải lương tuồng cổ, loại bỏ những niêm luật lai căng từ bài bản, vũ đạo của các đoàn hát Quảng Đông, Triều Châu du nhập vào Sài Gòn thập niên 1960, nhằm hình thành phong cách cải lương tuồng cổ thì NSƯT Trường Sơn chính là người thổi hồn cho những khám phá mới của anh vợ, nhằm khẳng định khuôn mẫu để thế hệ sau dựa theo đó mà sáng tạo. Nhân vật Lý Đạo Thành trong tác phẩm đỉnh cao “Câu thơ yên ngựa” chính là vai diễn để đời, biết bao thế hệ diễn viên trẻ đã học hỏi cách hóa thân của ông.

NSƯT Trường Sơn - Truyền nhân cuối của gia tộc? - Ảnh 1.

NSƯT Trường Sơn trong vai Vương Tư Đồ

“Từ khi anh Năm – Thanh Tòng qua đời, tôi ý thức trọng trách của mình, làm mọi cách để hun đúc tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ để họ đam mê bộ môn này. Nếu không có sự định hướng, không hệ thống một cách bài bản những gì mà ông cha để lại thì sẽ không nhân rộng những bài học quý về vũ đạo, võ thuật, âm nhạc, cảnh trí, trang phục đúng chuẩn của cải lương tuồng cổ thuần Việt” – NSƯT Trường Sơn trăn trở.

Từ áp lực đó, ông ngồi vào bàn, tập làm công việc hệ thống hóa những tuồng tích, kịch bản của gia tộc. “Trước đây, anh Thanh Tòng đã từng làm và trình bày công trình nghiên cứu khoa học “Từ hát bội đến cải lương tuồng cổ”, do Hội Sân khấu TP HCM đầu tư. Dựa theo kết quả này, tôi bắt đầu triển khai sâu hơn những ngóc ngách của niêm luật. Bằng cách nào để đi vào nội tâm nhân vật, bằng cách nào khai thác âm nhạc và vận dụng đờn ca tài tử, bài bản, các điệu lý nhằm thay thế dần nhạc Hồ Quảng nhưng vẫn sinh động, độc đáo” – ông nói.

Muốn truyền nghề ra ngoài gia tộc

Từ sân đình Thái Hưng, nghệ sĩ Bạch Long gầy dựng đoàn đồng ấu mang tên mình, có hơn 60 diễn viên trẻ xuất thân từ chiếc nôi này, “cậu Hai Trường Sơn” (tên gọi thân quen của người trong gia tộc) luôn là nghệ sĩ thị phạm, trình bày những khám phá mới về vũ đạo, ca diễn cho giới trẻ lĩnh hội. Nghệ sĩ Thành Lộc cũng từng cầm cờ, chạy roi ngựa, đóng các vai nhỏ trên sân đình này, để ngày nay trở thành một trong những người lèo lái thương hiệu kịch IDECAF, dàn dựng nhiều tác phẩm đỉnh cao mà nền tảng học tập cũng từ chiếc nôi cải lương tuồng cổ của gia tộc. “Tôi muốn ươm mầm cho nhiều hạt nhân nòng cốt tương tự. Để khi nhắm mắt xuôi tay, yên tâm vì đã kịp gửi gắm cho thế hệ trẻ những bài học quý của cha ông” – ông tâm sự.

“Trong lãnh địa sân khấu, “đo ni đóng giày” là lợi thế của người viết kịch bản, người dựng, nhắm vào thế mạnh của diễn viên để phân bổ vai diễn, tạo hiệu quả nghệ thuật nhưng với tôi, cách đó sẽ gây sự nhàm chán. Nếu không biết vận dụng ưu thế của diễn viên, khơi dậy sự ứng biến của họ với các vai phá cách, làm mới mẻ hơn trong diễn xuất thì nghệ thuật sẽ giậm chân tại chỗ. Vì vậy, tôi khuyến khích con gái mình – NSƯT Tú Sương diễn Bao Công, Đổng Trác, Lý Đạo Thành… hay động viên Quế Trân diễn Ngọc Hân, Ngọc Bình, Bùi Thị Xuân…Với các bạn trẻ như: Võ Minh Lâm, Chí Cường, Hoàng Đăng Khoa, Minh Trường, Điền Trung… phải mạnh dạn làm mới với những vai diễn khác sở trường” – NSƯT Trường Sơn nêu quan điểm.

Ông hăng hái quy tụ nhiều diễn viên trẻ tham gia các lớp tập huấn do ông truyền dạy. Gọi là lớp chứ các cuộc trao đổi không nhất thiết tại nhà mà ở ngay sàn tập của rạp. Trong chương trình “Ba thế hệ về lại cội nguồn” của người cháu rể Kim Tử Long, chính là nơi để ông đi tìm hậu bối chân truyền. Nhiều người nói hậu bối chân truyền của ông chính là NSƯT Tú Sương, ông đặt kỳ vọng vào cô con gái thứ ba này. “Thế nhưng, tôi muốn trao nghề thêm cho người ngoài gia tộc. Vì như thế sẽ nhân rộng hiệu quả nghệ thuật mà ông cha tôi đã truyền lại” – ông nói. Ông muốn tiếng trống, tiếng đờn, lời ca và vũ đạo không chỉ nằm trên bản thảo mà rộn vang khắp nơi. Nghệ thuật cải lương tuồng cổ có thế mạnh thể hiện những bản anh hùng ca bất khuất của cha ông, nên trọng trách của ông là viết và dàn dựng thêm nhiều hơn nữa những vở diễn hay về tấm gương anh hùng dân tộc.

Suất diễn nhớ đời của NSƯT Trường Sơn

NSƯT Trường Sơn đã trải lòng sau vụ trần nhà hậu trường rạp Công Nhân (quận 1, TP HCM) bất ngờ sụp ngay chỗ ông hóa trang, khiến ông bị thương cánh tay trái.

 NSƯT Trường Sơn vai Nguyễn Địa Lô (vở Bức ngôn đồ Đại Việt)

NSƯT Trường Sơn vai Nguyễn Địa Lô (vở “Bức ngôn đồ Đại Việt”)

– Phóng viênĐược biết, sau suất diễn tối 6-2 với sự cố bị sập trần nhà hậu trường khiến ông bị thương cánh tay trái, đến nay sức khỏe của ông như thế nào?

– NSƯT Trường Sơn: May mắn cho tôi chỉ bị trầy xước nhẹ, dù ra nhiều máu nhưng không ảnh hưởng đến xương. Điều tôi buồn là sự xuống cấp quá đỗi trầm trọng của một rạp hát cũ kỹ. May mà khi đó trần nhà rớt xuống chỉ có tôi và NS Chí Bảo ngồi ngay cạnh bên, không phải là các diễn viên trẻ hoặc các em thiếu nhi có tham gia một vài ca cảnh trong chương trình “Ba thế hệ về lại cội nguồn”, nếu không thì sẽ xảy ra chuyện lớn, vì sau khi trần nhà hậu trường rơi xuống, nhìn những lỗ hổng mới thấy sợ. Điều tôi buồn là sau ngày đất nước thống nhất, nghệ sĩ chúng tôi vẫn diễn trong một sân khấu không còn là thánh đường. Những gì của chế độ cũ để lại, chúng ta trưng dụng và chỉ chắp vá cho xong, mặc cho thời gian bào mòn. Thử hỏi vì sao khán giả quay lưng với sàn diễn khi mà chính người nghệ sĩ tham gia còn chịu quá nhiều rủi ro, thì khán giả ngồi xem trong một khán phòng như rạp Công Nhân, rạp Thủ Đô…sẽ không khỏi lo ngại.

Trần nhà hậu trường rạp Công Nhân sau khi rơi một mảng xuống ngay bàn hóa trang của NSƯT Trường Sơn
Trần nhà hậu trường rạp Công Nhân sau khi rơi một mảng xuống ngay bàn hóa trang của NSƯT Trường Sơn

– Hiện nay rạp Thủ Đô đã được trao cho Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM tiếp quản để sử dụng. Theo ông việc tổ chức biểu diễn có là mối lo đối với nghệ sĩ?

– Sân khấu hát bội đã khó, nay tiếp nhận rạp này càng khó hơn. Khán phòng xuống cấp, sàn diễn cũng rệu rã. Xây dựng một rạp mới để bảo tồn giá trị của nghệ thuật hát bội, sau khi nhà nước đã chuyển trụ sở rạp Long Phụng thành một điểm kinh doanh, thì sự hoán đổi này chưa sòng phẳng lắm đối với nghệ sĩ hát bội. Tôi xuất thân từ sân khấu hát bội, gắn bó với sân khấu cải lương pha hát bội, rồi cải lương tuồng cổ nên tôi hiểu tâm tư tình cảm của anh em nghệ sĩ lãnh vực hát bội. Nghành nghề nào cũng vậy, phải an cư thì mới lạc nghiệp.

Những vết nứt của mảng trần nhà hậu trường rạp Công Nhân có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào
Những vết nứt của mảng trần nhà hậu trường rạp Công Nhân có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào

– Sau khi NSND Thanh Tòng qua đời, đối với gia tộc Bầu Thắng, Minh Tơ, Thanh Tòng, xem như ông là người con rể còn trụ lại với nghề, ông vẫn tiếp tục phát huy truyền thống, truyền nghề cho thế hệ trẻ. Vậy theo ông cần làm gì để việc huấn luyện nghề nghiệp đối với bộ môn sân khấu tuồng cổ hiện nay có được khởi sắc?

– Cha tôi là nghệ nhân đánh trống Bảy Đực, ông là tay trống cự phách của làng hát bội. Khi làm sui với nghệ nhân Minh Tơ, 2 ông chủ trương huấn luyện thế hệ nghệ sĩ là con cháu trong gia tộc để ai cũng biết nghề, từ vũ đạo, võ thuật cho đến ca diễn với những trình thức sân khấu hát bội và tuồng cổ. Khi anh năm Thanh Tòng đột ngột qua đời vì bệnh tật, tôi hụt hẫng, con cháu thương tiếc, đau buồn. Trọng trách không chỉ của riêng tôi mà đè nặng trên vai các thành viên còn lại của thế hệ chúng tôi như: Xuân Yến, Thanh Loan, Công Minh, Thanh Sơn, Chí Bảo…

NSƯT Trường Sơn và NS Chí Bảo trong vở Bức ngôn đồ Đại Việt diễn tối 6-2 tại rạp Công Nhân
NSƯT Trường Sơn và NS Chí Bảo trong vở “Bức ngôn đồ Đại Việt” diễn tối 6-2 tại rạp Công Nhân

Nay thì chị Xuân Yến, chị vợ của tôi lại bệnh nặng. Coi như việc quán xuyến, truyền nghề còn lại mấy anh chị em. Lâu rồi sàn diễn đìu hiu, ít có suất để các em cháu cọ xát với nghề nên chúng tôi vẫn mượn sân đình Cầu Quan để làm sàn tập, hướng dẫn thêm cho các diễn viên trẻ.

Khi anh Thanh Tòng còn sống, anh đã mong ước có sự hỗ trợ của nhà nước để thành lập CLB cải lương tuồng cổ, dành cho thế hệ trẻ như ngày xưa nghệ nhân Minh Tơ, cha vợ của tôi đã thành lập đồng ấu Minh Tơ; thế hệ chúng tôi lớn lên trên sân khấu của đồng ấu Minh Tơ.

Tôi mong sao khi rạp Hưng Đạo mới đi vào hoạt động, sau khi đã nghiệm thu hoàn chỉnh hệ thống phòng cháy, chữa cháy thì hãy dành cho cải lương tuồng cổ những suất diễn, để tiếp tục phát huy truyền thống của bộ môn này, đó là duy trì việc truyền nghề cho con em nghệ sĩ.

Nơi NSƯT Trường Sơn hóa trang tại hậu trường rạp Công Nhân sau khi một mảng trần nhà sụp xuống
Nơi NSƯT Trường Sơn hóa trang tại hậu trường rạp Công Nhân sau khi một mảng trần nhà sụp xuống

– Khi diễn vai Nguyễn Địa Lô, một vai diễn hay trong tác phẩm sân khấu “Bức ngôn đồ Đại Việt”, ông có suy nghĩ gì?

– Tôi tái diễn vai này trong đêm 6-2 và đó là đêm diễn nhớ đời của tôi. Dù bị thương ở tay nhưng tôi cố gắng diễn cho tròn nhân vật của mình. Tay đau nhưng khi ra sàn diễn thì quên hết mọi thứ. Vai này từ anh năm Thanh Tòng dàn dựng, sau này có em Vũ Linh đã từng diễn, đoạt HCV xuất sắc giải Trần Hữu Trang năm 1991- 1992. Vai diễn có quá nhiều kỷ niệm đối với gia đình tôi và gần như các mùa thi của giải Trần Hữu Trang, giải Chuông vàng vọng cổ, các diễn viên trẻ cũng đều chọn vai diễn khuôn mẫu này để tranh tài.

Tôi còn đang hăng sức, muốn được tái diễn nhiều vai được đúc kết kinh nghiệm từ nhiều bậc tiền bối đi trước, nhằm truyền lại cho các em diễn viên trẻ nhưng lực bất tòng tâm, các suất hát ngày càng ít dần thì làm sao có thể truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Tôi mong sao các đài truyền hình nhanh chóng quay hình lại những tác phẩm tuồng cổ kinh điển, để truyền đạt kinh nghiệm, lưu trữ một cách có hệ thống những viên ngọc tinh túy của nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Bởi, một khi thế hệ chúng tôi rơi rụng dần thì sẽ mang tất cả những bài học đó xuống mồ, thế hệ trẻ khao khát làm nghề sẽ bị thiệt thòi vì chính những người nắm giữ trọng trách ươm mầm sống cho tài năng trẻ đã không quan tâm đến vấn đề này.

NSƯT Trường Sơn và Tú Sương trong vở Bức ngôn đồ Đại Việt suất diễn tối 6-2 tại rạp Công Nhân
NSƯT Trường Sơn và Tú Sương trong vở “Bức ngôn đồ Đại Việt” suất diễn tối 6-2 tại rạp Công Nhân

“Kép độƈ” Khánh Tuấn: Đời nghệ sĩ nhận cả vinh quang lẫn đoạn

Nghệ sĩ Khánh Tuấn cho rằng tính tình của mình hào sảng, phóng khoáng nhưng khi bắt tay vào công việc sáng tạo, anh nghiêm túc và rất khó tính

Mê cải lương từ hồi còn nhỏ, đặc biệt, Khánh Tuấn rất thích giọng ca của NSUT Thanh Tuấn nhưng trong lòng Khánh Tuấn không bao giờ nghĩ rằng sau này lớn lên mình sẽ trở thành một nghệ sĩ. Nhưng rồi định mệnh đầy đưa, sau cái c.hết đột ngột của người cha, gia đình Khánh Tuấn lâm vào cảnh túng quẫn. Để đỡ phần nào gánh nặng cho mẹ, Khánh Tuấn vào đời kiếm sống.

Trong những tháng ngày bôn ba đó, duyên may đã giúp Khánh Tuấn có dịp làm quen với một người trong đoàn hát. Đó chính danh Ba Nhỏ – họa sĩ của đoàn CL Khánh Hổng. Thầy Khánh Tuấn dễ mến, lanh lợi lại rấtmê cải lương nên anh Ba Nhỏ đã giới thiệu cho Khánh Tuấn vào đoàn làm chân gác cửa, chỉ ghế cho khán giả. Từ lối rẽ đó, cuộc đời của Khánh Tuấn bước sang một trang khác…

Trong buổi ban đầu đầy gian nan ấy, Khánh Tuấn cho rằng mình đã rất may mắn khi được những bậc đàn anh, đàn chị hết lòng giúp đỡ và dìu dắt. Thấy Tuấn có khả năng, nhạc sĩ Hữu Lộc – một tay guitar của đoàn rất sẵn lòng dạy ca cho anh mà không lấy một đồng nào tiền công. Rồi NS Chí Bảo, Ngọc Đáng, Lam Giang, hề Nhẫn Nhục… chỉ cho anh từng nét diễn, từng động tác vũ đạo.

Và chính NS Chí Bảo là người đã trực tiếp giới thiệu Khánh Tuấn với bà báu để anh được lên SK học nghề. Trong một lần đoàn thiếu người đóng vai quân sĩ, Khánh Tuấn được đưa ra SK. Dù chỉ đi ra – đi vào nhưng Khánh Tuấn cũng tập dượt thật kỹ càng từng bước đi của mình trên SK.


Hai năm miệt mài với những vai quân sĩ, đến năm 1979, đoàn CL Khánh Hồng đổi tên thành đoàn An Giang – Khánh Hồng và mời NS Kim Chưởng về dựng vỡ “Rừng thần” (TG: Trọng Nguyễn) thì Khánh Tuấn mới được hát chia một vai nhỏ – vai người áo đỏ với NS Hổng tơ. Tuy đây không phải là lần đầu tiên Khánh Tuấn bước ra sân khấu nhưng lại là lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng trong một vai diễn có số phận hẳn hoi nên anh rất run và hồi hộp. Cái cảm giác đó tưởng chừng như bóp nghẹt trái tim anh nhưng rồi sau đó, anh đã lấy lại được bình tĩnh và diễn rất tròn vai của mình.

Bắt đầu từ đó, hễ đoàn dựng vở mới, là Khánh Tuấn lại có một vai nhỏ. Điều này làm Khánh Tuấn cảm thấy rất vui vì ít nhất, anh cũng đã tạo được sự tin tưởng đối với mọi người. Sau đó, anh lần lượt được giao các vai như Hứa Từ Liêm, rồi Trần Nguyên Hãn trong vở ”Rừng thần”. Mỗi một vai diễn, một vị trí khác nhau như là những nấc thang đánh dấu sự trưởng thành dần dần của Khánh Tuấn. Và cũng trên SK này, anh còn có những vai được khán giả yêu thích như vai đại úy Tâm trong ”Nửa mảnh tim”. Trần Quang Diệu trong ”Bảy mùa mai nở”…

Sau đoàn An Giang – Khánh Hồng, Khánh Tuấn còn đi qua nhiều đoàn hát khác và bắt đầu có danh ở các tỉnh miền Tây… Hành trình những chuyến lưu diễn miệt mài ấy chất chứa trong lòng Khánh Tuấn đầy ắp những kỷ niệm khó quên. Anh nhớ nhất là lần lưu diễn thốt Nốt. Khi chuyển bến thì đoàn thường di chuyển bằng ghe. Lần đó, không biết thế nào mà nước lại vô ghe, thấm vào những rương đựng quần áo hát. Mà lúc đó, đồ hương xa, tuồng cổ được làm bằng chất vải đặc biệt, khi bị thấm nước vào sẽ bị rã ra hết. Chứng kiến cảnh đồ hát như vậy, bà Hai – người giữ đồ hội của đoàn và bà bầu đã khác đến nỗi ghe cập bến, những người xung quanh tưởng là có ai ch.ết ! Lúc đó Khánh Tuấn hãy còn chưa hiểu vì sao mọi người lại xúc động mạnh như vậy, mãi đến sau này, anh mới cảm nhận được mỗi một bộ đồ hát hay một món trang sức dành cho nhân vật đều có những giá trị tinh thần riêng…

Trên SK các đoàn tỉnh, tuy Khánh Tuấn cũng đã có cơ hội thử sức mình ở nhiều dạng vai nhưng dường như vẫn chưa có vai nào thật sự đặc sắc dành cho anh. Mãi cho đến năm 1996, với lời giới thiệu của NSUT Vũ Linh, Khánh Tuấn được nhà hát Trần Hữu Trang mời về cộng tác. Bằng con mắt tinh tường, NSUT Vũ Linh đã nhận ra cái ”chất” của Khánh Tuấn nên đã đề nghị giao cho vai Mã Văn Tài trong vỡ ”Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài” cho anh. Như ”cá gặp nước”, với vai Mã Văn Tài, Khánh Tuấn tha hồ ”vùng vẫy” để rồi đi đến đâu anh cũng được gọi tên nhân vật. Sự thành công này đã mở ra cho Khánh Tuấn một hướng đi mới để từ đó anh dần định hình phong cách riêng cho mình.

Đó là khả năng đóng kép độc. Những vai diễn như: Hai Cùng trong ”Tướng cướp Bạch Hải Đường”, Hai Long trong ”Những đứa con oan nghiệt”, Tony Don trong ”Bông trang trắng”, Dương Nhật Lễ trong cho đời soi gương”… đều là những vai diễn đầy ấn tượng của Khánh Tuấn. Tôi nhớ nhất là vai Tony Don của anh trên SK Đoàn CL Thanh Nga. Có thể nói, với Tony Don, cái ác của nhân vật đã được Khánh Tuấn đẩy lên đến tận cùng. những đòn roi tra tấn của Tony Don đối với nữ cán bộ cách mạng quả thật không làm người xem khiếp sợ bằng sự thản nhiên, lạnh lùng nhưng rất thông minh của hắn khi dùng những đòn tâm lý chiến. Hắn dửng dưng trước những đớn đau của người khác. Nụ cười của Tony Don – Khánh Tuấn ẩn chứa cả sự tò mò, thích thú khi được chứng kiến những người yếu ớt đang chết dần, chết mòn trong tay mình.

Xem Khánh Tuấn diễn, tôi bất chợt rùng mình khi cảm nhận được cái ác trong chiều sâu tâm thức của con người. Nói về những vai độc này của mình, Khánh Tuấn tâm sự: ”Sau vai Mã Văn Tài, tôi đã được NSND Diệp Lang và NSND Thanh Tòng động viên nên tiếp tục thử sức dạng vai này. Tôi rất vui khi mình tìm ra được hướng cái riêng để có cơ hội bật sáng. Tuy nhiên bên cạnh những thành công của những nhan vật mà tôi thể hiện trên sân khấu thì trở về với đời thường… tôi lại chịu khá nhiều thiệt thòi trong những mùa Hội diễn và nhất là tình cảm của công chúng dành cho mình.

NS Khánh Tuấn là anh trai của cố nghệ sĩ hài Khánh Nam

Bao giờ cũng vậy khi người nghệ sĩ thể hiện một vai ác thành công khiến người xem phải ghét cay ghét đắng, ấy cũng là lúc mình cũng cùng chung ”số phận” với nhân vật. Dường như đó là ”mẫu số chung” của những người ”chuyên tri”những vai ác. Tôi nhớ có lần mình đi hát ở hội chợ, mấy bà già gặp tôi, đ ã chỉ thẳng vào mặt tôi và bảo rằng: ”Đồ cái thứ ác ôn!. Lúc đó, tôi không biết ph ản ứng thế nào, chỉ biết cười trừ. Đêm ấy về nhà nằm ngẫm nghĩ, chợt thấm làm sao cái câu: ”Người vào cỡi áo lau son phấn. Nhận cả vinh quang lẫn đoạn trường”….

Mặc dù vậy nhưng Khánh Tuấn vẫn quyết trung thành với con đường mà mình đã chọn vì với anh, trên sân khấu, khi anh đấy cái ác của nhân vật lên đến đỉnh điểm thì cũng là lúc anh muốn đề cao giá trị của cái đẹp, cái thiện – những điều mà con người cần phải hướng đến và vươn tới…

Hiện tại, ngoài cộng tác với nhóm Thắp sáng niềm tin, NS Khánh Tuấn còn kiêm nhiệm vụ Phó đoàn CL Thanh Nga, phụ trách về chuyên môn.

Những năm gần đây, sau vở CL ”Đóa hoa vô ưu”, đoàn thường xuyên dựng những vở tuồng, trích đoạn về đề tài Phật giáo. Hỏi Khánh Tuấn vì sao lại chuyển đề tài thể hiện như vậy, anh cho biết: “Theo yêu cầu ở một số chùa, đặc biệt là Tổ đình Giác Nguyên, đoàn dựng những vở về Phật giáo để hát phục vụ cho bà con Phật tử. Khi mà một vở diễn hay trích đoạn ra mắt, thấy bà con thích thú, tôi và đồng nghiệp cảm thấy rất vui. Bởi nghĩ rằng chúng tôi đã làm được hai điều trong một mục đích đó là đưa cải lương và Phật giáo đế ngần với mọi người hơn. Và những khi không đi diễn thì Khánh Tuấn ở nhà quản lý phòng thu của mình.

 

Đây cũng là một niềm đam mê của anh. Anh cười bộc bạch: ”Để mớ phòng thu này tôi đã phải tranh thủ thời gian để đi học vi tính, anh văn, cách xử lý âm thanh… Mà mỗi môn học, tôi thường đăng ký học 2 – 3 lớp với những khoảng thời gian khác nhau để có bận giờ này, thì tôi vẫn còn giờ khác để học. Tuy đây là một nghề tay trái nhưng nó vẫn gắn liền với cái nghiệp của tôi mà phải không bạn?”

Khánh Tuấn mang niềm vui đến bệnh nhân tâm thần

Là nghệ sĩ gắn bó với đoàn cải lương Thanh Nga hơn 30 năm qua, nghệ sĩ Khánh Tuấn tích cực hoạt động chuyên môn bên cạnh công tác thiện nguyện do anh chủ xướng. Soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn – Trưởng đoàn cải lương Thanh Nga, cho biết: “Tôi quý tính cách chăm lo cho người nghèo khó của nghệ sĩ Khánh Tuấn. Nhiều lần đoàn tổ chức biểu diễn không nhận thù lao ở các chùa, anh còn bỏ tiền túi ra mua gạo, thực phẩm đến tặng cho bà con nông dân nghèo ở khu vực quanh các chùa.

Ngoài ra, anh là nghệ sĩ thường xuyên đưa các hoạt động văn nghệ thiện nguyện đến vùng sâu, vùng xa, mang những món quà tinh thần đến cho trẻ em nghèo ở các mái ấm tình thương, các bệnh nhân, học viên các trung tâm dạy nghề. Nghĩa cử của anh thật đáng quý” – soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn nói.

Kép độc Khánh Tuấn mang niềm vui đến bệnh nhân tâm thần - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Khánh Tuấn giao lưu với bệnh nhân tâm thần (giữa), hướng dẫn các bệnh nhân ca vọng cổ

Ông Lê Công Hùng – Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Tân Định (thuộc Sở LĐ-TB & XH TP HCM, thành lập từ năm 2003) – đã đánh giá cao tấm lòng của nghệ sĩ Khánh Tuấn khi anh mang niềm vui đến cho bệnh nhân, khơi gợi niềm say mê tập luyện văn nghệ, giúp các bệnh nhân nhanh chóng hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Ngoài các tiết mục giao lưu với bệnh nhân, anh và NSƯT Tâm Tâm đã hát những ca khúc, bài tân cổ giao duyên được bệnh nhân và đội ngũ y bác sĩ của trung tâm yêu thích.

Nghệ sĩ Khánh Tuấn giao lưu với bệnh nhân tại Trung tâm Điều dưỡng Tâm thần Tân Định.

NSƯT Tâm Tâm (cũng chính là người bạn diễn ăn ý, hỗ trợ cho nghệ sĩ Khánh Tuấn thi tại cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020) nói: “Tôi rất vui khi được đồng hành cùng chú Khánh Tuấn, đem niềm vui đến cho bệnh nhân tâm thần bằng những bài hát”.

Kép độc Khánh Tuấn mang niềm vui đến bệnh nhân tâm thần - Ảnh 4.

NSƯT Tâm Tâm và bệnh nhân Võ Văn Xuân – người ca bài vọng cổ “Đám cưới đầu xuân”

Nghệ sĩ Khánh Tuấn nói trong niềm xúc động: “Đây là lần thứ 5 tôi quay lại Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Tân Định, gặp chú Võ Văn Xuân ca vọng cổ rất hay. Chú hát bài “Đám cưới đầu xuân” dạt dào tình cảm. Hôm nay lại phát hiện thêm nhiều bệnh nhân thích ca vọng cổ, tôi hạnh phúc lắm khi được làm công tác thiện nguyện này”.

Tại hai vòng thi sơ tuyển và chung kết cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020, nghệ sĩ Khánh Tuấn đã đoạt HCB và được khán giả và đồng nghiệp yêu thích khi anh thể hiện hai vai diễn: Xăm (“Hương sứ hòn đất”) và Lê Chiêu Thống (“Trời Nam”). Anh được các nghệ sĩ tiền bối chuyên diễn kép độc khen ngợi khi có nhiều sáng tạo trong cách ca diễn vai kép độc pha mùi, bởi anh có làn hơi khỏe. Kép độc thường là vai phản diện nhưng nghệ sĩ Khánh Tuấn luôn để lại cảm tình nhờ vào ưu thế biết khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật.

DSC07596

Nghệ sĩ Khánh Tuấn, Thanh Sơn, Văn Sơn được trao HCB tại Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020

Nghệ sĩ Khánh Tuấn: “Kép độc phải qua ba kiếp đời”

. Phóng viên: Cho đến thời điểm này, nhìn lại quá trình gắn bó với sân khấu, anh nghĩ gì về khái niệm được và mất?

– Nghệ sĩ KHÁNH TUẤN: Tôi thích câu thơ của tác giả Nguyễn Phương khi ông đưa vào tác phẩm “Cho ngày nắng ấm”: “Cứ sống, cứ sống, cứ sống đến cùng”. Vậy nên trong tôi không có khái niệm được – mất mà cứ rong ruổi khắp nơi, kết giao với nhiều đồng nghiệp, làm đủ việc mình thích. Tôi học ở họ niềm đam mê và lắng nghe những trăn trở của họ trong cuộc sống. Một lần NSND Huỳnh Nga nói với tôi: “Mày sống như thế là bằng ba cuộc đời của người khác rồi, kép độc chẳng có gì phải hối tiếc”.

. Vì sao kép độc bằng ba đời người khác?

– Trước hết hình ảnh này mang 3 yếu tố: kẻ gieo rắc hoài nghi, hả hê trước nỗi đau người khác và bất chấp thủ đoạn. Cái tôi của diễn viên vốn dĩ hiền lành, nhưng ông Tổ cho cái duyên đóng kép độc, hành trình hóa thân buộc phải sống khác mình. Và ở một tầng cảm xúc cao hơn trong mỗi vai diễn, “kép độc” là tác nhân gây bao tội lỗi, mà tôi vốn có giọng ca nên các soạn giả, đạo diễn thích để vai diễn của tôi mang một chút ăn năn, sám hối vào giờ chót, nên cuộc sống của vai diễn mà tôi đảm nhận trải qua ba “kiếp đời”: hiền lành, hung ác và sám hối. Tôi diễn vai Hai Cang trong vở “Tướng cướp Bạch Hải Đường”, đến đoạn hành hạ nhân vật Nhung, lúc nào diễn ở tỉnh cũng bị các má, các dì chửi, nhưng rồi khi ra về, khán giả đón ở lối ra của hậu trường để biếu bánh tét, bánh tráng, xoài, quýt… Tình cảm đó khiến tôi không thể thôi diễn kép độc.

. Anh học từ vị tiền bối nào cách thâm nhập nội tâm và diễn các vai phản diện?

– Tôi như con ong thích bay khắp nơi hút nhụy ngọt từ các vườn hoa đẹp. Mỗi người nghệ sĩ đi trước đều có kinh nghiệm diễn xuất để tôi học. Ở bác Văn Ngà tôi học cách thoại khẳng khái, oai phong; chú Hùng Minh là ánh mắt, giọng cười; bác Diệp Lang nói trong ca, ca trong nói, phản ứng nhanh nhẹn, đối đáp thông minh, sắc bén; chú Nam Hùng thần thái trong từng vai diễn, diễn kép võ mỗi đường gươm như nét cọ chấm phá tuyệt chiêu; bác Trường Xuân là phong cách diễn hài độc – lẳng, phán đoán tài tình; ở sân khấu tuồng cổ có bậc thầy kép độc Thanh Tòng, Bửu Truyện, sau này là anh Công Minh, Chí Bảo, Thanh Sơn, Hữu Huệ… Mỗi người đều có “bảo bối” để tôi chiêm nghiệm, đúc kết.

. Để diễn vai kép độc đa dạng, cần trang bị kỹ thuật gì?

– Mỗi đoàn hát tôi đi qua đều cho tôi nhìn rõ khuynh hướng sáng tác, đạo diễn để học và vận dụng. Thành tố được xem là chất liệu để sáng tạo chính là bám chặt tình huống quy định của kịch bản. Thủ pháp dàn dựng của đạo diễn luôn mở ra cho “kép độc” nhiều cách thể hiện. Nếu không nắm vững tinh thần này sẽ sa đà, lệch khỏi quỹ đạo và vai diễn mờ nhạt thì không thể bùng phát mâu thuẫn, xung đột.

. Chắc anh cũng nhận ra khuyết điểm của mình?

– Đôi khi tôi muốn làm cho sân khấu nóng lên, đã không tiết chế khiến vai diễn ồn ào. Điều này khiến tôi vuột mất HCV trong vở “Tiếng vọng hang hòn” tại Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc 2018. Sau đó, qua phân tích của nhiều nhà chuyên môn, tôi tham dự Cuộc thi tài năng diễn viên cải lương Trần Hữu Trang năm 2020, với vai Lê Chiêu Thống, tôi đã được trao HCB.

. Dường như ý thức được cái ưu, cái nhược nội tại của đời sống cải lương hiện nay mà anh đã có những bước chuyển hiệu quả?

– Một mình tôi vận động, xoay chuyển thì được gì? Phải tạo chiến lược cho sự chuyển mình của sân khấu cải lương. Giữa bối cảnh hội nhập nhiều biến động, khâu kịch bản sa vào giai đoạn cực điểm khủng hoảng. Thiếu kịch bản hay thì khó mà thu hút khán giả.

Nghệ sĩ Khánh Tuấn: Kép độc phải qua ba kiếp đời - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Khánh Tuấn trong vai Lê Chiêu Thống – trích đoạn “Trời Nam” của tác giả Lê Duy Hạnh

. Anh có hàng trăm vai diễn thành công. Quá trình tìm chất liệu thể hiện vai diễn đối với anh có khó nhọc lắm không?

– Tôi dành thời gian xem phim, trao đổi kinh nghiệm với các bậc tiền bối. Hồi bác Văn Ngà còn sống, cứ rảnh là tôi chạy sang nhà bác để trò chuyện, học hỏi. Cái khó luôn ám ảnh tôi, vì thế để không bị áp lực buộc tôi phải luôn học cách diễn mới. Tôi quan sát cuộc sống, lắng nghe và khơi gợi mầm yêu thương dù chỉ là một tia nhỏ trong khát vọng được làm người lương thiện từ vai phản diện.

. Anh đã đi lên từ cơ cực trong nghề, có nhiều trải nghiệm đáng quý?

– Tôi đam mê nên từ nhỏ đã thích theo gánh hát. Ước mơ vẫn là thích đóng kép độc, dù có lúc thấy kép chánh được săn đón, giá cát-sê cao, nhưng bác Trường Xuân hồi đó thường vỗ đầu tôi: “Mày theo nghề hát kép độc ăn bền, kép chánh chỉ có một thời thôi con!”. Hành trình của tôi chính là tìm sự bền chắc trong nghề, nên gian nan, khổ cực, nghèo khó tôi không sợ, chỉ sợ vai diễn của mình nghèo sáng tạo.

. Các sàn diễn xã hội hóa đang cần sự tiếp sức của nhiều nghệ sĩ tâm huyết để thúc đẩy hoạt động và để sân khấu tiếp tục sáng đèn. Anh có đề xuất gì?

– Nghệ sĩ ngày nay phân tán nhiều nơi, chưa hội tụ lại để tạo lực hút. Thiếu sự quản lý để có cái nhìn rộng hơn, bền hơn từ các nhà tổ chức. Theo tôi, nếu có đề xuất thì phải chọn những mấu chốt trọng tâm mà đầu tư cho sàn diễn cải lương. Trả lại sự chuẩn mực trong từng khâu sáng tạo tác phẩm: kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, mỹ thuật, trang phục, âm thanh, ánh sáng… Lực lượng diễn viên giỏi, trẻ trung, năng động không thiếu, chỉ thiếu nhà đầu tư có những quyết sách hữu hiệu cho sàn diễn sáng đèn.

. Anh có dự định sẽ làm nghề đạo diễn?

– Tôi cảm ơn những gian nan đã cho tôi nghị lực để đi tới cùng ước mơ diễn kép độc. Nghề đạo diễn khó lắm, không phải ai làm cũng được. Đạo diễn kịch, phim đã vất vả, thì đạo diễn sân khấu cải lương vất vả hơn nhiều. Vì phải am hiểu bài bản, điệu thức, tính chất đặc thù của sân khấu cải lương. Tôi đặc biệt yêu thích trường phái “Thật và đẹp” của bác Năm Châu và mơ ước trong đời được diễn những vai “kép độc” trong vở tuồng của bác.