Vợ chồng gắn bó nhau đã 40 năm nhưng Hoài Thanh và Đỗ Quyên chưa từng làm đám cưới, lần này, do bạn bè “xúɪ ɢɪụᴄ”, cả hai tổ chức lễ “hấp hôn” trong sự hồi hộp không khác cảm giác lần đầu bước lên xe hoa.
Đang định cư ở Úc, mỗi năm Hoài Thanh và Đỗ Quyên đều tranh thủ về Việt Nam làm công tác từ thiện, giúp đỡ nghệ sĩ nghèo, những người bất hạnh trong xã hội. Hạnh phúc có được hôm nay với họ không dễ dàng, cuộc tình của họ lắm sóng gió và từng cách xa nhau đến 10 năm.
Yêu nhau từ thuở tóc xanh
Năm 1964, nhờ ca hay và được các nghệ nhân đàn ca tài tử dìu dắt, Hoài Thanh đã được giới thiệu lên Sài Gòn biểu diễn tại quán Lệ Liễu. Sau đó, anh gia nhập nhóm tài tử Hai Khuê – Tên một giáo sư của Trường Quốc Gia Âm nhạc Kịch Nghệ Sài Gòn.
Cố NSND Phùng Há phát hiện ra tài năng của Hoài Thanh sau một lần xem anh ca vọng cổ trên truyền hình. Bà cho người mời anh đến nhà riêng trên đường Ngô Tùng Châu (hiện nay là đường Lê Thị Riêng, quận 1, TP HCM) dạy diễn xuất. Hoài Thanh rất vui vì chưa từng biết diễn xuất là gì, ra sân khấu anh chỉ đứng ca. Trong những buổi học tại đây, Hoài Thanh gặp lại một cô gái dễ thường tên Đỗ Quyên. Cả hai chú ý đến nhau và còn có duyên khi được Cố NSND Phùng Há phân vai đóng cặp trong vở “Nắm cơm chan máu”.
Chiều hôm đó, cố NS Phương Thanh liên tục ghép đôi họ. “Gặp tôi, anh Thanh liên tục nói đến anh Hoài Thanh, còn gặp anh Hoài Thanh thì nhắc đến tôi. Một hôm trời mưa lớn khiến nhà má Bảy nước ngập lênh láng, thường anh Hoài Thanh chở anh Phương Thanh về nhà nhưng hôm đó Phương Thanh bảo đi xích lô rồi kêu anh Hoài Thanh chở tôi về. Con đường không dài nhưng anh ấy cố tình chạy lòng vòng nên mãi vẫn chưa tới nơi” – Đỗ Quyên nhớ lại kỷ niệm thuở ban đầu.
NS Hoài Thanh, Đỗ Quyên
Và họ yêu nhau từ cái đêm mưa đó, cả hai giấu cha mẹ, thầy cô và bạn bè, chỉ có cố nghệ sĩ Phương Thanh biết nên không bao lâu ai cũng biết.
10 năm chia ly
Chuyện tình của Hoài Thanh- Đỗ Quyên không thuận lợi bởi bao gập ghềnh, dâu bể cuộc đời. Năm 1973, đoàn Hương Mùa Thu khai trương vở “Người chăn hạc” của soạn giả Thu An, Hoài Thanh được mời về đóng kép chính. Đỗ Quyên buồn vì cả hai không có dịp cùng chung sân khấu nhưng không lên tiếng ngăn cản, chỉ hẹn nhau thành danh sẽ tổ chức đám cưới.
Họ xa nhau biền biệt, thời đó không có điện thoại nên biết tin về nhau chỉ qua những mẫu tin trên báo nhưng lúc thì báo đăng Hoài Thanh đang cặp bồ với H.L, lúc Đỗ Quyên đang yêu D.L… tất cả toàn là xì – căng – đan để quảng bá cho một vở diễn mới. Đỗ Quyên vẫn chờ đợi Hoài Thanh, sống khép kín và lặng lẽ trong Đoàn hát Bạch Tuyết- Hùng Cường. Trong khi đó, Hoài Thanh lại lãng mạn và đào hoa…
“Nhà Hoài Thanh rất nghèo, anh có đến 8 người em, vì là anh cả nên gánh nặng gia đình đè lên đôi vai. Hồi nhỏ, để có tiền mua sách vở, anh phải đi hái rau dại đem bán và phụ ba má nuôi các em. Lớn lên Hoài Thanh muốn theo nghề hát để có tiền lo cho gia đình, ý chí của anh khiến tôi khâm phục. Tình yêu tôi dành cho anh bao gồm cả sự ngưỡng mộ đối với một thanh niên nghị lực, kiên trì muốn vượt lên bất hạnh!” – Đỗ Quyên chia sẻ. Tuy nhiên, chị thất vọng khi hay tin anh sang ngang.
NS Hoài Thanh, Đỗ Quyên và vợ chồng NS Tuấn Thanh
Đến với người khác, nghệ sĩ Hoài Thanh không tìm được hạnh phúc. Trong lòng anh cứ mang nặng lời hẹn thề và dằn vặt vì mình đã phản bội lại tình yêu của Đỗ Quyên. Song, thật sự, Đỗ Quyên không oán giận anh vì hiểu rõ xa mặt cách lòng, hiểu cuộc đời nghệ sĩ lênh đênh rày đây mai đó và có những phút giây yếu lòng…
May nhờ đất nước hòa bình, người nghệ sĩ được tôn vinh, nghề hát không còn bị miệt thị là “xướng ca vô loài”, nên họ lại tìm về bên nhau, cùng nhau xây dựng lại những đổ vỡ, mất mát. Cuộc tình 10 năm ly tan cũng có kết thúc đẹp.
Cái kết đẹp cho cuộc tình dang dở
Năm 1983, tình cờ được làm chung bộ phim “Ngày tàn bạo chúa”, tác giả Lê Duy Hạnh, Hoài Thanh và Đỗ Quyên gặp lại nhau. Ngày hôm đó, biết anh vừa mới chia tay người vợ trước, Đỗ Quyên không giấu được sự hồi hộp, bởi duyên tình chưa dứt.
Nghệ sĩ Hoài Thanh mở lời hàn gắn lại cuộc tình dang dở, hứa sẽ bù đắp cho người tình luôn một lòng chờ đợi mình và Đỗ Quyên đồng ý. Nhờ tình yêu của anh, chị lao vào việc học, phấn đấu trở thành một đạo diễn theo lời dạy của cố NSND Phùng Há và cố NSND Nguyễn Thành Châu. Vì chắp nối, nhà lại nghèo nên họ không tổ chức lễ cưới mà chỉ làm mâm cơm cúng ông bà trước sự chứng kiến của gia đình hai bên.
Cả hai sinh được hai con là Nguyễn Quốc Thy Thư đang định cư tại Úc và Nguyễn Quốc Anh Kiệt (tức ca sĩ Hoài Anh Kiệt).
Vợ chồng NS Hoài Thanh, Đỗ Quyên và NS Minh Vương, Cẩm Tiên
Về nước tham gia chương trình Sao nối ngôi, hỗ trợ cho con trai là ca sĩ Hoài Anh Kiệt tranh tài cùng các thí sinh đều là con em nghệ sĩ, NS Hoài Thanh đã bật mí chuyện tình của ông.
NS Hoài Thanh- Đỗ Quyên
Nghe nói hồi trước ông đã từng mở quán “bia vọng cổ” Hoài Thanh trên đường Lê Thị Hồng Gấm – quận 1 làm ăn khấm khá?
– Đó là những năm 2000, khi chưa có nhiều quán bia vọng cổ, còn ngày nay thì rất nhiều. Tôi dừng lại cũng sau 3 lần dọn quán. Phải chấp nhận thôi, thời buổi kinh tế thị trường, mỗi lần dọn quán là phải hy sinh ít nhất mấy tháng để tạo uy tín. Nhưng rồi nghệ sĩ khó mà làm kinh doanh, lại phải chịu cảnh tiếp khách, nên đêm nào cũng uống đến say, sức khỏe không cho phép, buộc phải dừng lại.
NS Hoài Thanh và Đỗ Quyên lúc còn mới yêu nhau
Ông bà đã có được một lớp diễn viên trẻ gắn bó với sân khấu chuyên nghiệp, được xem là hậu duệ của Hoài Thanh – Đỗ Quyên. Đến nay phải chăng chợt nhớ cần cho Hoài Anh Kiệt nối nghiệp cha mẹ, làm kép hát?
– Chúng tôi đã xác định con thích làm nghề gì thì phải tôn trọng. Cháu mê tân nhạc nên một chặng đường dài đã đầu tư và hy sinh rất nhiều để chọn vẹn với giấc mơ làm ca sĩ. Nay, tham gia chương trình “Sao nối ngôi”, là một cơ hội để cháu ca diễn cải lương, được thể hiện các bài học của cha mẹ. Tôi có một lứa diễn viên trẻ khi chiêu mộ vào lớp đào tạo, đa số đều là học sinh của bà xã tôi – nghệ sĩ Đỗ Quyên, chúng tôi đã nói rất rõ đặc trưng của sân khấu này là phục vụ cho khán giả yêu nghệ thuật cải lương. Mỗi lần từ Úc về chúng tôi lại qui tụ học trò để tổ chức biểu diễn. Đó là ý nghĩa tạo đất dụng võ cho các em được cọ xát với nghề. Còn Hoài Anh Kiệt, nếu sau chương trình “Sao nối ngôi” mà có cơ hội thành kép hát thì chúng tôi rất mừng.
Cả hai là một đôi uyên ương đẹp trên sân khấu cải lương thập niên 70
35 năm chung sống, ông nhận xét thế nào về mái ấm hạnh phúc mà nghệ sĩ Đỗ Quyên, bà xã ông đã mang đến?
– Quyên thật sự là điểm tựa tinh thần rất lớn của đời tôi. Chúng tôi yêu nhau từ năm 1970. Lúc đó cả hai đang tham gia với Ban tài tử Phụng Hảo do NSND Phùng Há phụ trách. Tôi đã được bạn bè nghệ sĩ ghép đôi với Quyên. Trong một đêm mưa tháng 7 tôi đã đưa Quyên từ nhà má Bảy Phùng Há về đường Hòa Hưng, quận 10. Để từ đó chúng tôi yêu nhau say đắm. Nhưng sóng gió của nghề hát, đã đẩy chúng tôi về hai phía. Hơn 10 năm chia tay nhau, đến năm 1980, chúng tôi mới chính thức thành hôn. Tất nhiên lúc đó tôi là người năn nỉ. Mái ấm hạnh phúc của gia đình tôi tất cả đều nhờ vào sự quán xuyến chu đáo của bà xã. Quyên không phải là một cô đào hát ăn chơi phung phí, thích phô trương. Tất cả vốn liếng đều được chắt chiu từ những ngày tháng gian nan với nghề hát. Có thể nói chưa một vùng đất nào cải lương sống được mà chúng tôi chưa đi qua. Giờ lớn tuổi, bóng đã ngả về chiều. Định cư sang Úc chung sống với cô con gái, chúng tôi vẫn tích cực tham gia những hoạt động biểu diễn nghệ thuật cải lương phục vụ kiều bào. Và mỗi năm đều tổ chức về nước để thăm bạn bè đồng nghiệp và tham gia ca hát với các học trò.
Gia đình NS Hoài Thanh – Đỗ Quyên
Ở Úc, khán giả kiều bào còn yêu thích bộ môn cải lương?
– Trong nhiều chương trình “Vầng trăng cổ nhạc” tôi thấy sự xuất hiện đều đặn của các diễn viên xuất thân từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ. Năm nay cuộc thì này đã khởi động. Tôi cho đây là mũi nhọn tập trung cho sân khấu cải lương do HTV tổ chức. Bởi, sau hiệu ứng của truyền hình với sân chơi “Ngân mãi chuông vàng”, các diễn viên trẻ tiến bộ rõ rệt. Tôi hoan nghênh cách làm của HTV, đó là kế hoạch chiến lược góp phần vực dậy sân khấu cải lương. Từ những chương trình này khán giả kiều bào ở Úc đã được xem cải lương và yêu thích bộ môn này, nhất là giới trẻ.
NS Hoài Thanh, Đỗ Quyên và con trai – ca sĩ Hoài Anh Kiệt trong chương trình “Sao nối ngôi”
NS Đỗ Quyên đã tốt nghiệp lớp đạo diễn sân khấu với vở tốt nghiệp mang tên “Mảnh đời ngộ nhận” (tác giả Nguyễn Đình Chính-chuyển thể Đỗ Quyên). Là chồng, là diễn viên dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của vợ, ông có ngại gì không trước mặt học trò của bà?
– Có gì đâu mà ngại, chúng tôi rất bình đẳng trên sân khấu. Có những ý kiến về cách biểu diễn, cách tháo từng nút thắt vấn đề chưa thông suốt là lập tức chúng tôi tranh luận kịch liệt. Tôi rất tôn trọng ý kíến chỉ đạo nghệ thuật của vợ, vì tôi biết Quyên là một người nghệ sĩ say mê sáng tạo và có nhiều kiến thức. Ngày xưa, khi yêu nhau Quyên còn làm thơ và viết thư tình cực hay. Bây giờ rất tiếc những lá thư đó tôi không còn giữ để khoe với bạn đọc. Khi xa nhau hơn 10 năm, phải nói dù có sánh bước bên ai thì tôi cũng nhớ về Quyên. Có lẽ ông Tổ thương nên cho chúng tôi hàn gắn lại. Chúng tôi yêu nhau thật lòng, dám vượt qua bao sóng gió, khó khăn trong 10 năm trời để quay lại sống bên nhau, thì với tôi đó là mối tình rất đẹp. Tôi nhớ một vài câu thơ mình đã viết: “Chỉ mình em ở bên này nỗi nhớ, thì anh cứ đi đi…nhưng xin đừng trăn trở! Dẫu sóng gió, mưa dầm ta vẫn ở bên nhau”.
NS Hoài Thanh – Đỗ Quyên gặp gỡ NSƯT Minh Vương, Cẩm Tiên
Hoài Thanh sinh năm 1947, học trung học tại Trường Tân Dân, bắt đầu học ca cổ với nghệ nhân đàn guitar Thanh Tùng (nay là Phó Giám đốc TTVH Hóc Môn). Năm 1964, anh tham gia ca tài tử tại quán Lệ Liễu – Sài Gòn (nằm trên đường Lý Thái Tổ ngày nay), từng tham gia các ban tài tử: Văn Vỹ, Út Trong, Thành Công. Một số vai nổi tiếng của anh là: Phạm Lãi (vở Tây Thi), Trác Phùng Quân (vở Mùa thu trên Bạch Mã Sơn), Cao Nguyên Bình (vở Đêm lạnh chùa hoang), Trần Vinh (vở Gánh cỏ sông Hàn), Alika (vở Ngày tàn bạo chúa), bộ đội Vĩnh (vở Thiên thần áo trắng), Thúc Sinh (vở Thúy Kiều), …
Đỗ Quyên năm 7 tuổi được ba là nghệ nhân Xuân Lạc dạy ca theo nhịp đàn. Năm 1966, chị thi đậu Trường Quốc Gia Âm nhạc kịch nghệ Sài Gòn cùng khóa với Tài Lương (chị nghệ sĩ Tài Linh). Năm 1970, chị về làm đào chánh đoàn cải lương Thái Dương (bà bầu Chắc). Ngoài sở trường đào thương, Đỗ Quyên còn nổi tiếng với các vai đào võ, giả trai và đào lẳng độc. Vai diễn ấn tượng của chị: Triệu Thị Trinh (vở Nhụy Kiều tướng quân), Bùi Thị Xuân (vở Nữ tướng cờ đào), An Lộc Sơn (vở Tây Thi), Phạm Lãi, Giáng Hương (vở Sân khấu về khuya)…
Nguồn: Người lao động