Từ khi Tấn Beo còn rất nhỏ, gia đình đã xảy ra nhiều biến cố khiến anh phải nghỉ học từ rất sớm và gần nửa cuộc đời lưu lạc khắp nơi kiếm sống để nuôi gia đình.
Trong ngôi biệt thự màu trắng ở đường Tú Xương (quận 3, TPHCM), nơi đoàn làm phim sit com “Mạc Gia ký” đang tất bật cho các cảnh quay, danh hài Tấn Beo dành cho tôi chút thời gian nói chuyện ở một góc nhỏ ngoài ban công.
“Ba mẹ tôi làm công tại chính đoàn hát của mình”
Hồi trước năm 1975, ba anh là ông bầu đoàn hát Tân Thủ Đô nổi tiếng miền Nam. Năm 1977 tại sao ba mẹ anh lại trao đoàn cho Sở Văn hóa thông tin Hậu Giang quản lý mà không tiếp tục hoạt động?
Ba má tôi hiến tặng. Cơ chế nhà nước lúc đó là quy hoạch chung. Tất cả các đoàn tư nhân đều phải hợp tác với nhà nước. Nhà nước không tiếp quản đoàn của ba má tôi nhưng ba má tôi tự nguyện hiến tặng.
Lúc đó đoàn có cả trăm người. Nhà nước tuyển chọn những người nhà nước cần còn đâu cho nghỉ. Vì khi hiến đoàn cho nhà nước, nhà nước có quyền. Người khác xuống làm trưởng đoàn, không còn bầu nữa. Ba mẹ tôi làm công tại chính đoàn hát nhà mình.
Ba má tôi rất hiền, cứ cố gắng sống cho qua ngày vì con cái. Nhưng lúc đó tôi sốc. Tôi theo đoàn từ bé. Tôi tận mắt nhìn thấy ba má mình suy sụp nhưng chỉ có tôi biết điều đó thôi. Nghệ sĩ mà, dù có buồn thì để trong lòng, khi ra diễn vẫn vui cười.
Rồi thời gian sau đó như thế nào?
Người ta muốn tạo dựng một ê kíp trẻ, diễn viên trẻ nên những người lớn tuổi bị giảm biên chế. Ba má tôi cũng nhận thức được là mình cũng sẽ bị giảm như những người trước nên hai người xin rút lui, vì lúc đó ba má tôi cũng lớn tuổi rồi.
Danh hài Tấn Beo
Một mình gánh cả gia đình
Cả nhà vốn dĩ đều trông chờ vào việc ba mẹ đi diễn để sinh sống. Lúc ba mẹ anh không có việc làm thì gia đình anh sống ra sao?
Lúc đó sống rất khổ, còn nhà bán nhà, còn xe bán xe. Lúc đó tôi khoảng 16, 17 tuổi. Rồi tôi xin ba mẹ cho đi tự lập. Tôi ý thức được rằng nếu không có tôi thì gia đình sẽ rất mệt vì tôi là con lớn.
Thời điểm đó không còn ai gánh ba má, buộc lòng tôi phải đi làm kiếm tiền, kiếm cơm, kiếm thuốc cho ba má lúc ốm đau. Có bao nhiêu, tôi gửi về hết.
Tôi có hai người em, một trai một gái, đứa nào cũng còn nhỏ hết. Hai đứa còn đi học. Tôi bỏ học từ năm lớp 7, lớp 8. Hoàn cảnh không cho phép. Muốn học nữa nhưng hoàn cảnh thế mình buộc phải nghỉ học.
Anh nói anh xin ba mẹ cho đi tự lập là đi đâu và làm gì?
Tôi xin về chính đoàn hát nhà mình. Tôi đi theo phụ khiêng đồ như công nhân chứ không được hát. Tôi làm công nhân lãnh lương chứ không phải đi diễn. Khi thiếu những vai quần chúng thì tôi chạy qua chạy lại như là cầm đao giết giặc vậy đó.
Trong suốt thời gian ở đoàn, tôi học hỏi kinh nghiệm rất nhiều từ các bác các cô các chú. Khoảng 5 năm sau, lần đầu tiên tôi được lên sân khấu thật sự. Tôi đóng vai Thượng sĩ văn, cảnh sát quốc gia, chuyên đi bắt sinh viên biểu tình.
Hồi đó tôi nhỏ con lắm nên phải vẽ râu cho đứng tuổi. Khán giả rất thích. Sau vai đó có đoàn khác mời, tôi trốn đi qua đoàn khác. Tôi làm nhiều đoàn lắm, mỗi đoàn vài năm và ở nhiều tỉnh. Suốt cả nửa cuộc đời tôi là ở các vùng ngoài, không ở Sài Gòn.
Khi mà gia đình gặp hoàn cảnh đó, anh cũng cơ cực như vậy, cả anh và bố mẹ có bao giờ muốn anh không theo nghề chưa?
Không. Tôi vẫn bám trụ.
Điều gì khiến anh làm như vậy?
Cái nghề của ba má tôi nằm trong tâm huyết tôi rồi. Ba má tôi nuôi anh em tôi bằng nghề diễn mà. Khi lớn lên tôi không muốn phụ công ơn ba má, quyết phải đi theo để ba má mãn nguyện, nối dõi tông đường.
Dù khổ cực thế nào thì tôi cũng phải đeo cho bằng được. Cơ hội tới đâu hay tới đó, tôi quyết theo chứ không bỏ. Không có cơm ăn cũng phải theo.
Mà thậm chí đúng như vậy. Nhiều lúc đói cũng không có cơm ăn. Nhiều khi thèm món này món kia chịu không nổi nhưng không dám ăn, phải để dành tiền gửi về lo cho ba má.
Tôi sống vậy cũng mười mấy năm. Mỗi năm ba má thêm 1 tuổi, càng già càng yếu, tôi càng cật lực hơn.
Tấn Beo trải lòng về những biến cố lớn.
Bộ đồ mắc nhất của tôi là bạn mua cho
Anh lo cho ba má như vậy, đến khi lập gia đình thì sao? Không phải người phụ nữ nào cũng chấp nhận ở cùng bố mẹ chồng lại còn nặng gánh chăm lo như vậy?
Tôi không bỏ ba má tôi được, bất cứ giá nào. Khi lập gia đình cũng vậy. Nếu chấp nhận ở chung nhà với ba má tôi, lo cho ba má tôi thì lấy không thì thôi.
Vợ tôi chấp nhận, vì nếu không chấp nhận thì tôi không lấy. Nếu tôi bỏ ba má tôi được thì tôi đã đi Mỹ lâu rồi chứ.
Cơ hội đi nước ngoài của tôi rất lớn. Lúc tôi còn nhỏ đã có người muốn lãnh, bao bọc tôi qua Mỹ rồi nhưng tôi không đi. Họ nói tôi qua đó làm để lấy tiền gửi về cho ba má nhưng tôi cũng không đi. Lúc ba má tuổi già sức yếu thì làm thế nào…
Và khi lấy vợ thì vợ anh có chăm sóc ba mẹ anh được như anh muốn?
Vợ tôi ở nhà chăm sóc cho ba má, tôi đi làm. Tôi không muốn cô ấy đi làm. Tôi nói cô ấy ở nhà lo cho gia đình cho tròn nghĩa đi, xong đi rồi tính.
Nhưng vợ anh vẫn có thể vừa đi làm vừa chăm sóc gia đình chứ?
Ai cũng tính thế nhưng lúc đó thì tôi nghĩ mình tôi cũng có thể lo cho gia đình rồi. Tôi gánh nổi.
Tất nhiên điều đó đồng nghĩa với việc gánh nặng kinh tế đè lên vai mình nhưng nếu vợ tôi cũng đi làm thì tôi lại phải mướn người khác chăm ba má cũng vậy. Người khác thì làm sao mình yên tâm bằng người nhà.
Tấn Beo trên sân khấu.
Có vẻ như vợ anh cũng chịu hy sinh. Nhưng hai người đã bao giờ mâu thuẫn về chuyện này?
Vợ chồng tôi cũng chưa bao giờ mâu thuẫn về điều đó. Giờ tôi muốn bà ấy làm bà ấy cũng không làm nữa. Quen rồi. Giờ bung ra làm không biết làm gì.
Trước bà ấy làm cùng gia đình, đổi tiền đô thành tiền Việt rồi đem tới nhà cho người ta. Công việc đó là đổi tiền, bán thôi chứ không phải kinh doanh. Bản thân cô ấy cũng không có nghề chính thức.
Từ những điều anh vừa kể, anh có nghĩ mình gia trưởng không?
Không. Tôi sống rất giản dị bình thường. Tôi muốn sao cho gia đình sống vui vẻ với nhau. Tôi không bắt nạt, trịnh trọng cái gì.
Ra đường nhiều khi tôi còn không biết bộ đồ đó mặc hồi nào nữa mà. Tôi ra đường se sua thôi, miễn không làm điều gì bậy là được rồi.
Chắc cái tính này của tôi cũng ảnh hưởng từ những năm tháng khó khăn hồi nhỏ. Tôi đã trải qua bao nhiêu khó khăn như thế giờ có ăn có mặc đã là hạnh phúc quá rồi.
Lấy nhau từ lúc nghèo khó, bây giờ anh đã trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng. Vợ anh có bao giờ thấy mình thiệt thòi hơn so với vợ của những người nổi tiếng khác, đòi phải có cái này, cái kia khi chồng đã có tên tuổi, sự nghiệp?
Cũng vậy thôi. Vợ tôi chưa bao giờ kêu ca về điều đó. Lấy nhau từ lúc khổ đến bây giờ có hơn thì phải thấy đủ rồi. Lo được cho con đi học tới nơi tới chốn là đủ rồi. Không đòi hỏi gì hơn.
Đừng có nhìn bên ngoài rồi so sánh. Bà ấy hiểu tôi chứ ở núi này trông núi nọ là không được.
Ví dụ sống với tôi không được, tìm người khác hơn tôi thì sống. Nếu tìm người giàu thì ở ngoài có biết bao nhiêu người nhưng sống biết đối nhân xử thế, biết tình biết nghĩa, biết lo cho gia đình, kiếm được người đó hơn tôi thì tôi mới sợ.
Tấn Beo đã trải qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Để kiếm được nghệ sĩ lúc nào cũng hướng về gia đình, bảo bọc gia đình còn mình thì đơn giản, xuề xòa… không lo cho nhu cầu cá nhân như anh chắc bây giờ không nhiều?
Không có đâu. Giờ người ta lo cho bản thân trước, từ đôi dép, đôi giày, cái áo, cái xe… hàng hiệu trước đi để ra đường ai cũng thấy mình xài hàng mắc tiền.
Làm nghệ thuật mấy chục năm, anh có đồ đắt tiền không? Có xài hàng hiệu không?
Tôi mang đôi dép có trăm ngàn. Bộ đồ mắc nhất của tôi là do bạn cho chứ tôi không đi mua. Đồ hiệu tôi còn không biết đồ gì mắc.
Bạn tặng thì tôi mặc cho bạn vui. Mặc vô những người khác nói cái này mắc lắm thì tôi mới biết là mắc chứ còn chính mình cũng không biết nó bao nhiêu.
Với tính cách của anh, chắc để rung động với một bóng hồng nào khác ngoài vợ hẳn là… khó lắm?
Đúng. Không có ai mà khiến tôi suy nghĩ để xa rời vợ được. Tôi không dòm xa dòm gần gì hết. Tôi là người đàn ông của gia đình.
Tấn Beo: “Ai chỉ mặt nói tôi diễn dở, tôi sẽ giải nghệ ngay tức khắc”
Tấn Beo là nghệ sĩ hài được khán giả yêu thích với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Lên chùa bán nhang, Năm Nổ về làng, Mơ làm ca sĩ, Thạch Sanh – Lý Thông, Thám tử nhà quê, Sui gia đại chiến… Các vở diễn của Tấn Beo đều có tính giáo dục cao ngoài tiếng cười sảng khoái.
Thế nhưng, những năm truyền hình thực tế, đặc biệt là hài kịch bùng nổ như một cơn lốc, các nghệ sĩ ào ạt tham gia gameshow thì Tấn Beo lại đứng bên lề cuộc chơi. Nam diễn viên dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện chân tình nhưng cũng chất chứa nhiều trăn trở về thời cuộc.
Tấn Beo nói giai đoạn này anh tạm dừng lại để quan sát mọi việc.
– Đúng như Tấn Beo dự đoán trước đó, gameshow hài đang có dấu hiệu bão hòa sau thời gian bùng phát mạnh mẽ. Anh nghĩ gì trước tình trạng hiện nay?
– Tôi nghĩ cái gì ăn hoài cũng ngán. Ông bà xưa nói không sai, ăn ít no dai, ăn nhiều tức bụng. Được cho “ăn” quá nhiều, khán giả dần ngán và sợ món đó. Cái gì cũng có quy luật, được cái này mất cái kia. Mới đầu người ta xem gameshow để giải trí vì nó vui nên khiến họ thích. Nhưng nhiều chương trình giống nhau quá, từ hình ảnh đến kịch bản và diễn xuất nên dẫn đến nhàm chán, một màu.
Ngày xưa tôi nhận lời tham gia vài gameshow nhưng không dám nói nhiều vì sợ nói bậy. Mình sợ người ta không cười nên cũng cố gắng nói nhiều nhưng họ lại ngán rồi quay lại chửi mình. Ông vua ăn mãi sơn hào hải vị còn chán huống chi hài kịch nên nghệ sĩ cũng phải hạn chế.
Tôi cũng mang tiếng nhiều lắm, nhiều người hờn giận vì sao lâu rồi không thấy Tấn Beo xuất hiện và làm gì cho khán giả xem. Điều đó khiến tôi rất vui vì khán giả còn trách là còn nhớ đến mình. Tôi chỉ sợ họ bảo đừng xem “thằng” đó diễn nữa, như vậy thua rồi. Khán giả không quên tôi là vui rồi. Tôi cũng hứa hãy đợi tôi, vì chưa nghĩ ra “món ăn” nào mới để phục vụ bà con.
– Nhưng xin phép hỏi thẳng anh, trong thời kỳ gameshow hài nở rộ, nhiều ngôi sao trẻ vụt sáng, Tấn Beo thì lại lơ là trước thời cuộc. Chứng kiến hoạt động sôi nổi của đàn em, anh có khi nào chạnh lòng?
– Thật lòng, ban đầu tôi cũng thấy sao tụi trẻ giờ giỏi quá. Tôi nhìn khán giả ủng hộ em út nên cũng thấy hình như các em qua mặt mình rồi đó, chắc tôi không còn được mọi người để ý nữa. Ngẫm nghĩ đúng buồn thật. Nghề nghiệp mà, không ai thần thánh gì mà không cạnh tranh.
Tôi nghĩ thôi chết rồi, mình làm gì có lỗi khiến công chúng phật lòng mà bây giờ họ quên mình, họ nhắc đến em út nhiều hơn mình. Nhưng rồi tôi lại nghĩ đến quy luật tre tàn măng mọc. Có điều, măng thì mọc rồi nhưng tre vẫn chưa vội tàn, vẫn còn đứng sừng sững đó. Tôi nghĩ như vậy để vững lòng tin. Hơn nữa, tôi cũng có một thời trẻ một huy hoàng, đến lúc phải nhường bước cho ai đó.
Tôi không thể đứng cản trở để bảo vệ nấc thang của mình. Khi nào khán giả còn nghĩ, còn nhắc đến mình thì vị trí trong lòng công chúng vẫn thuộc về Tấn Beo. Tổ nghiệp cho bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, đừng cố gắng vượt bậc, leo hoài chỗ đâu mà đi. Tôi rất tự hào và tự tin vì đến giờ khán giả còn nhắc tôi. Có những tiểu phẩm tôi diễn đã 10 năm nhưng bước ra sân khấu tiếng cười vẫn rần rần. Tôi không muốn làm nóng, nguội nguội mà sống dai vì nóng quá tôi sợ phỏng.
Nghệ sĩ hài cho biết anh không có nhu cầu kiếm quá nhiều tiền.
– Anh đánh giá thế nào về sự được và mất của nghệ sĩ hài trong thời kỳ gameshow hài phát triển như cơn lốc?
– Xưa chưa có gameshow, khán giả không biết nhiều nghệ sĩ như bây giờ. Đây là cơ hội để em út bộc lộ và chứng tỏ tài năng, nhờ đó có những gương mặt trẻ xuất hiện. Nhưng cái gì cái cũng phải có đẳng cấp, có quá trình hoạt động dày dặn, kinh ngiệm đầy đủ mới đứng vững được. Tài năng rất cần nhưng nó phải được nuôi dưỡng, nếu không đủ tỉnh táo sẽ dễ chết yểu.
– Thế có khi nào Tấn Beo bị mọi người chê hết thời, không còn đất dụng võ?
– Tôi không sợ mình bị nói qua thời vì số lượng đó nhỏ lắm. Tôi dành thời gian để tiếp xúc với công chúng ngoài đời thật chứ không phải trên mạng xã hội, và tôi nhận thấy số lượng đó nhỏ lắm. Tôi chưa chưa gặp khán giả nào nói: Ông không còn hay nữa, ông diễn dở quá. Nếu ai đó nói thế, tôi sẽ nghỉ ngay lập tức. Nhưng tất nhiên, người nói câu đó cũng phải có đủ khả năng nhìn nhận vấn đề.
Ngoài việc diễn hài, Tấn Beo còn đầu tư sản xuất phim điện ảnh.
– Vậy những năm qua, khi Tấn Beo không mặn mà với gameshow thì anh làm thế nào để sống và nuôi gia đình?
– Tôi không cần giàu sụ, cuộc đời này tôi chỉ cần ngày 2 bữa cơm, con cái ăn học đến nơi đến chốn, điều đó cũng đủ chứng tỏ tôi đã sống trọn vẹn rồi. Tôi giàu làm gì, đi làm kiếm tiền chất cao như núi, có du thuyền riêng, biệt thự lớn thì ăn cũng ngày 2 bữa cơm, thậm chí làm mệt chỉ ăn được vài hạt. Hơn nữa, lúc đó cứ lo tranh đua sự nghiệp, danh vọng nên càng mệt mỏi thêm.
Tôi thấy điều đó không có ý nghĩa, giờ tôi ngồi vỉa hè hay nhà hàng sang trọng cũng được. Ở địa vị như vậy tôi quá hạnh phúc rồi. Ông trời ban cho tôi sự nghiệp như vậy tôi còn đòi hỏi gì hơn. Nhiều người còn chưa có gì, chưa từng nếm trải món ngon vật lạ, cả cuộc đời chỉ biết sáng dậy ăn cơm, làm việc đến chiều tối rồi ngủ.
Tôi sống cuộc đời sung sướng hơn thì còn muốn gì nữa mà phải tranh đua, tên tuổi leo tới đỉnh rồi để làm gì. Khi bước chân vào nghề, tôi cũng đâu có nghĩ mình sẽ được cả triệu người biết đến, rồi họ yêu mến cho mình hạt gạo ăn suốt đời. Hơi đâu đi kiếm cả bao gạo, liệu ăn có hết không, một chén cơm đủ rồi. Tôi chỉ cần không làm cho xã hội buồn, không làm khán giả phật lòng thì mỗi đêm đều có giấc ngủ hạnh phúc.
Tấn Beo từng chạnh lòng khi chứng kiến đàn em nổi tiếng hơn mình.
– Nghệ sĩ trẻ hiện nay tạo ra nhiều cuộc ganh đua khiến giới showbiz bị ảnh hưởng khá nhiều. Mọi thứ đều bắt đầu từ sự nổi tiếng. Anh nhìn nhận vấn đề này thế nào?
– Tôi không thích chuyện người này suy nghĩ mình phải hơn đứa này, bỏ ra mấy tỷ để qua mặt nó. Nhưng nghĩ mà xem, có ai được gắn mác nghệ sĩ vĩnh viễn không? Nghệ sĩ giờ giành nhau chữ “sao” mà mệt quá. Tôi thích gắn cho mình chữ nghệ sĩ bình dân, nghệ sĩ của quần chúng hơn là làm ngôi sao sáng chói.
Điều đó nguy hiểm lắm, ăn uống phải khép nép, phục trang phải chỉnh tề, gương mặt lúc nào cũng tỏ ra thân thiện nhưng cũng phải nghiêm trang để thể hiện đẳng cấp của mình. Nhưng mà như vậy căng thẳng lắm, ngồi ăn thấy người ta chào mà chỉ dám gật đầu vì sợ làm gì đó không đúng.
Còn tôi, ra đường người ta gặp họ lại bắt tay hỏi: Tấn Beo khỏe không? Sao dạo này ốm vậy? Điều đó khiến tôi thấy mình hạnh phúc rồi, và tôi mãi mãi là nghệ sĩ của quần chúng. Chữ “ngôi sao” cũng không bằng chữ “thương”, nếu mình được khán giả thương là vô địch rồi, không cần sao xẹt gì cả.